Triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ: Công khai, minh bạch, đúng đối tượng

Đăng ngày 27 - 04 - 2020
100%

Chiều ngày 27/4/2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH); đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Lãnh đạo UBTƯ MTTQ; Lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cùng đại biểu các sở, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị tại các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, MTTQ các tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và xã hội, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách.
IMG-1619.JPG
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị 
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tới quan điểm nhấn quán của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ khi sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để chăm lo cho sức khỏe của nhân dân, cùng nhân dân vượt qua đại dịch, điều đó thể hiện qua các Chỉ thị của Chính phủ, đặc biệt là nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống dịch tại Hội nghị của Bộ Chính trị ngày 23/4/2020 vừa qua.
Nhấn mạnh tới nội dung của Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, để thực hiện nghiêm Nghị quyết 42/NQ-CP, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg và những chính sách hỗ trợ của Chính phủ kịp thời đến đúng đối tượng, không để xảy trường hợp nào có tiêu cực trong thực hiện ở các cấp, các ngành, các địa phương, MTTQ, ngành Lao động Thương binh và xã hội, các sở, ngành, chính quyền các cấp trước hết phải: “Phối hợp chặt chẽ - Tuyên truyền rộng rãi - Phân công cụ thể - Hướng dẫn rõ ràng - Triển khai bài bản - Kết quả công khai”.
Chia sẻ về kinh nghiệm rút ra từ Chương trình phối hợp Tổng rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng năm 2014-2015, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, vai trò giám sát của nhân dân là rất quan trọng vì ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả, vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh.
IMG-1672.JPG
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý đến việc phải cung cấp số điện thoại, địa chỉ email, từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, để nhân dân trực tiếp phản ánh. Có thể nhận qua hòm thư tố giác để giữ bí mật cho người phản ánh; trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân.
“Ở Mặt trận Trung ương, yêu cầu phải công khai 3 số điện thoại của: Trưởng Ban Phong trào, Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật và Trưởng Ban Tuyên giáo để sẵn sàng giải đáp, tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết.
Đặc biệt, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, nhất là ngành Lao động Thương binh Xã hội các cấp, của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận, của Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Không ra thêm thủ tục, để trễ chính sách
IMG-9522.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị
Liên quan tới việc xác định đối tượng, điều kiện tiêu chuẩn, hồ sơ thủ tục, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh các địa phương cần thực hiện đúng theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, không ban hành thêm thủ tục hành chính giấy tờ khác.
“Bên cạnh quy định đúng, minh bạch cần làm nhanh khẩn trương, không để chính sách đưa ra rồi lòng vòng mãi. Tôi xin nói dân khao khát mong chờ lắm rồi, lúc người ta đói, cần phải hỗ trợ ngay. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Trước thông tin các địa phương đã và đang triển khai hỗ trợ ngay trong tháng 4 đối với 4 nhóm đối tượng (người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và bảo trợ xã hội), Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH nhận định: Nói như vậy không có nghĩa là các nhóm kia không được triển khai ngay. Đặc biệt, lao động tự do gặp khó khăn đang cần được ưu tiên triển khai sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Không có cơ quan Trung ương nào chỉ đạo đến 15/5 mới thực hiện chi trả.
Qua đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khuyến khích các địa phương sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chi trả theo hình thức chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng của các đối tượng thụ hưởng hoặc theo hệ thống bưu điện. Đặc biệt, công đoàn cùng với các địa phương trong quá trình triển khai không để một số doanh nghiệp tranh thủ thời gian này tìm cách ngừng hợp đồng, gây khó khăn cho người lao động.
Nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nghiêm túc thực hiện Quyết dịnh số 15/2020/QĐ-TTg bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời chính xác; Đề cao trách nhiệm và sẵn sàng giải trình trước Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân; Thường xuyên kiểm tra đôn đốc tình hình thực hiện ở địa phương đơn vị; Không để lợi dụng để trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng lãng phí, lợi ích nhóm; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, khi thực hiện gói hỗ trợ, không mong muốn những vi phạm xảy ra, không có tình trạng phải khởi tố. Nhưng nếu có thì sẽ bị xử lý nghiêm về mặt Đảng, hành chính; Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự.
Liên quan tới quá trình giám sát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Ủy ban Mặt trận các cấp, đoàn thể xã hội các cấp tham gia ngay từ đầu trong việc rà soát lên danh sách, chứ không chờ lập xong danh sách mới giám sát. Về phía Bộ LĐ-TBXH sẽ lập đường dây nóng và một trang điện tử để cập nhật giải đáp các vướng mắc của nhân dân.
“Đừng để ai bị xử lý về đảng, về chính quyền và chịu các hình thức kỷ luật khác. Bởi vì động đến đây không ngủ được đâu và nếu có thì đây sẽ là nỗi nhục suốt đời của cán bộ. Do đó chúng tôi mong một là tự giác, hai là kiểm tra, giám sát thật kỹ để không xảy ra tình trạng tiêu cực với gói an sinh dành cho người nghèo”, ông Đào Ngọc Dung bày tỏ.
Chặt chẽ, chính xác trong xác định đối tượng thụ hưởng
IMG-1701.JPG
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Quân trình bày tại Hội nghị
Đại dịch covid diễn ra phức tạp khó lường và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam và trực tiếp ảnh hưởng tới việc làm, sinh kế và thu nhập của người dân. Do ảnh hưởng của đại dịch nhiều người lao động bị ảnh hưởng mất việc làm. Nhằm đảm bảo cuộc sống an sinh, sinh kế cho người dân, đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhân dân người lao động trong quá trình dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg để cụ thể hóa về điều kiện và quy trình thủ tục nhận hỗ trợ của các đối tượng được hỗ trợ.
Thứ trưởng Lê Quân cho biết, nội dung của Quyết định 15 rất ngắn gọn và không nhắc lại những nội dung đã nêu trong Nghị quyết 42 mà chủ yếu tập trung vào điều kiện và quy trình thủ tục. Thay mặt Bộ LĐ-TBXH và Ban tổ chức, Thứ trưởng Lê Quân trình bày một số điểm cơ bản của Quyết định 15. Đợt hỗ trợ tập trung hỗ trợ những đối tượng giảm sâu thu nhập tức là mất việc làm, gặp khó khăn và không đảm bảo mức sống tối thiểu. Khi hỗ trợ, chúng ta lấy chuẩn nghèo để đánh giá số đối tượng và như vậy không phải tất cả người lao động mất việc và giảm thu nhập đều được hỗ trợ. Chúng ta cần tập trung cho nhân dân, nhất là những người nghèo có cuộc sống đảm bảo mức sống tối thiểu trong bối cảnh đại dịch.
Nghị quyết 42 đã nêu rõ mỗi đối tượng chỉ được hưởng 1 chính sách cụ thể, nếu 1 đối tượng thuộc nhiều chính sách khác nhau thì được chọn chính sách hỗ trợ cao nhất và các địa phương rà soát cố gắng không để bị trùng lặp một đối tượng hưởng nhiều chính sách.
Đối với những địa phương triển khai trước thì cần đảm bảo được cấp đủ cho đối tượng, nếu mức hỗ trợ thấp hơn mức hỗ trợ của Nghị quyết 42 thì chúng ta bổ sung cho mức thấp nhất là bằng theo nội dung của Nghị quyết. Quán triệt tinh thần đây là chương trình hỗ trợ an sinh cho các đối tượng có thu nhập thấp và khó khăn, nên khi có đối tượng tự nguyện không nhận thì không đưa vào danh sách và chúng ta cũng không cấp phát, không hỗ trợ. Triển khai đồng bộ, đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ trưởng Lê Quân cho biết qua đợt hỗ trợ này, cơ sở dữ liệu của rất nhiều đối tượng khác nhau sẽ được xây dựng, và qua đó, dần dần hình thành nền tảng cơ sở dữ liệu toàn quốc. Nhân đây, Thứ trưởng đề nghị các địa phương quán triệt là triệt để sử dụng công nghệ thông tin, chuyển khoản hoặc thanh toán qua bưu điện, qua ngân hàng, tránh thanh toán trực tiếp, và nhiều hoạt động thủ tục cũng không nên yêu cầu người dân và người lao động đến trực tiếp.
Một số lưu ý về mức hỗ trợ và thủ tục hỗ trợ đối với một số đối tượng:
Với đối tượng nhóm người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo, thì thủ tục đơn giản, địa phương tiến hành rà soát và Chủ tịch Tỉnh phê duyệt danh sách và danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tính đến ngày 31/12/2019, còn danh sách đối tượng bảo trợ xã hội và người có công thì theo danh sách hưởng tháng 4/2020. Lưu ý riêng nhóm đối tượng bảo trợ xã hội chỉ bao gồm đối tượng nhận trợ cấp hàng tháng không bao gồm những đối tượng bảo trợ đang ở các Trung tâm bảo trợ xã hội. Đối với người có công chỉ có 3 nhóm đối tượng chính (người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng, thân nhân của người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động).
IMG-1653.JPG
Toàn cảnh Hội nghị
Nhóm người lao động mất việc làm có thể chia thành người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội thì có trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động nhưng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì đối tượng này làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp, đề nghị các địa phương quán triệt để cải cách thủ tục hành chính và giải quyết những vấn đề qua bưu điện, qua email và trực tuyến để giúp giảm tải và không yêu cầu người lao động phải đến trực tiếp các trung tâm dịch vụ việc làm.
Nhóm có hợp đồng lao động đang đóng bảo hiểm xã hội tuy nhiên là phải hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc không hưởng lương, đây là nhóm được hưởng mức hỗ trợ 1.800.000/tháng/người. Tuy nhiên cần lưu ý mức hỗ trợ được tiến hành hàng tháng, tức là không phải hỗ trợ như người có công và các đối tượng phía trên là cấp luôn 3 tháng mà đôi tượng này được cấp hỗ trợ hàng tháng và cũng phải làm rõ là người lao động thuộc đối tượng này không phải đi làm thủ tục mà doanh nghiệp sẽ làm thủ tục, doanh nghiệp lập danh sách và có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội và trình lên các cấp.
Cần lưu ý rằng chúng ta không cấp hỗ trợ cho tất cả những lao động ngừng việc hoặc hoãn hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp mà trên tinh thần doanh nghiệp, người lao động và nhà nước cùng tham gia chia sẻ, chỉ hỗ trợ cho những doanh nghiệp có khó khăn tài chính, không đủ khả năng tài chính để trả lương cho người lao động.
Hỗ trợ dành cho những doanh nghiệp không có doanh thu, ngừng hoạt động, hoặc không có khả năng chi trả, đã hết các quỹ và các nguồn lực tài chính nhất là quỹ tiền lương không thể chi trả. Nhóm đối tượng này, hàng tháng các doanh nghiệp lập danh sách để hỗ trợ chi trả, chứ không chi trả 1 lần 3 tháng liền.
Nhóm hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thì theo luật, do mới đi làm, mới đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ thời gian để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ trực tiếp làm hồ sơ và đề xuất với chính quyền xã phường. Tuy nhiên vẫn phải có xác nhận hoặc sổ bảo hiểm xã hội hoặc xác nhận của bảo hiểm xã hội không thuộc đối tượng nhận bảo hiểm thất nghiệp và chi trả hàng tháng.
Nhóm lao động tự do, không có hợp đồng lao động nhưng mất việc và bị ảnh hưởng, chỉ hỗ trợ những người do mất việc nên thu nhập bị giảm sâu và thấp hơn mức sống tối thiểu, tức chuẩn nghèo, những người làm nghề lao động tự do nhưng có thu nhập tốt hoặc có mức sống mà ở địa phương thấy rằng trên chuẩn nghèo thì chúng ta cũng không hỗ trợ. Vậy lao động tự do mất việc nhưng phải có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhóm này có thể khoanh vào một số nhóm chính (lao động thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, xe ôm, xích lô, bán vé số lưu động, một số lao động tự làm việc…). Đặc biệt lưu ý, người bán vé số lưu động không thực hiện thanh toán chi trả qua ngân sách, mà Bộ Tài chính hướng dẫn dùng kinh phí của các công ty Xổ số để chi trả và các công ty được hoạch toán vào chi phí kinh doanh.
Tùy từng địa phương với những nhóm đối tượng nào, công việc nào mà có điều kiện khó khăn cần hỗ trợ, thì các địa phương có thể quyết định tuy nhiên sử dụng nguồn kinh phí ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác. Nhóm lao động tự do này, cũng có 1 đặc điểm ràng buộc khá chặt chẽ, phải có điều kiện cư trú hợp pháp, là tạm trú hoặc thường trú, tuy nhiên có trường hợp là 1 người lao động tự do tạm trú ở 1 nơi, và thường trú ở 1 nơi, chúng ta cho phép người lao động nhận trợ cấp ở 1 trong 2 nơi, người lao động trong dịch mà đã về quê rồi, có thể nhận trợ cấp ở quê, còn nếu vẫn đang ở thành phố thì nhận ở thành phố, tuy nhiên thủ tục yêu cầu tránh hưởng 2 lần thì cần có xác nhận của nơi thường trú hoặc nơi tạm trú xác nhận không nhận ở nơi kia. Đề nghị các cấp xã, cấp phường làm thủ tục một cách linh hoạt. Cần lưu ý ở đây chỉ xác nhận là không nhận, nơi cấp hỗ trợ sẽ xác minh kỹ hơn.
Các hộ kinh doanh ngừng kinh doanh theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền ở đây là UBND cấp tỉnh, theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thì trong thời gian ngừng kinh doanh sẽ hỗ trợ mức 1 triệu đồng/tháng. Chỉ hỗ trợ cho các hộ kinh doanh có kê khai thuế về doanh thu, và mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thực tế, có thể làm tròn, trên 15 ngày có thể làm tròn thành 1 tháng.
Trường hợp cho doanh nghiệp vay để trả lương, đối với doanh nghiệp do khó khăn, không có khả năng chi trả, ngân hàng chính sách với gói hỗ trợ sẽ cho vay không thế chấp, với mức vay là 50% mức tiền lương tối thiểu chung của vùng, 1 người lao động ngừng việc 1 tháng, mức vay tối đa là 3 tháng và thời gian để trả nợ là 12 tháng và mức lãi suất 0%. Trường hợp này, chỉ cho vay để trả lương cho người lao động bị ngừng việc. Điều kiện để vay  có điểm lưu ý là doanh nghiệp phải trả trước 1/2 mức lương tối thiểu vùng cho người lao động rồi, và phần cho vay sẽ chi nốt 1/2 mức lương tối thiểu vùng. Tất cả các mức hỗ trợ đều chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của người lao động, chứ không chuyển về doanh nghiệp. Doanh nghiệp lập danh sách và thông tin đầy đủ của người lao động, ngân hàng chính sách sẽ giải ngân trực tiếp vào tài khoản của người lao động để tránh nguồn tiền bị dùng sai mục đích.  
Trên cơ sở các nội dung được quán triệt tại Hội nghị, các địa phương đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, trên cơ sở đó, Trung ương có hướng dẫn để việc triển khai không bị lúng túng, không xảy ra sai sót.

Tin mới nhất

Các luật, nghị quyết mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường...(11/03/2024 2:10 CH)

Kết quả công tác tham mưu ban hành Văn bản QPPL lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2023(10/01/2024 8:25 SA)

Thông cáo báo chí Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành trong tháng 10...(02/11/2023 12:55 CH)

Thông cáo báo chí Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành trong tháng 7...(22/09/2023 1:14 CH)

Thông tư số 06/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/6/2023 hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã...(14/07/2023 3:13 CH)

°
106 người đang online