Định hướng Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2021- 2030

Giai đoạn 2021 – 2030 là giai đoạn có tính bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng tăng trưởng sáng tạo và bảo đảm an sinh xã hội (ASXH). Bởi vậy, chiến lược ASXH cần phải được xây dựng theo cách tiếp cận mới như sau:

1. Phương pháp tiếp cận xây dựng chiến lược ASXH giai đoạn 2021 – 2030
a) Xây dựng theo cách tiếp cận mọi người dân thực sự có quyền được bảo đảm ASXH.
Xét về mặt nhân quyền thì quyền được bảo đảm ASXH là một trong những quyền cơ bản của con người mà không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Đó là nhu cầu tồn tại và phát triển như là lẽ tự nhiên của con người. Do đó, Hiếp pháp 2013 đã hiến định “Công dân có quyền được đảm bảo ASXH” (Điều 34) là tất yếu khách quan, vừa là mục tiêu phát triển của đất nước, vừa phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới.
Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền được bảo đảm ASXH của người dân là phương pháp tiếp mới trong thế giới đương đại và được nhiều quốc gia áp dụng. Phương pháp này có sự khác biệt với phương pháp truyền thống ở chỗ không chỉ quan tâm đến mục tiêu đạt được về bảo đảm ASXH của người dân mà còn chú trọng đến quy trình, cách thức lựa chọn để đạt được những mục tiêu đó và được xem xét theo một cấu trúc hệ thống của ASXH. Về thực chất, phương pháp tiếp cận này lấy các tiêu chuẩn về quyền được bảo đảm ASXH của con người làm cơ sở xác định kết quả mong đợi và lấy các nguyên tắc làm điều kiện, khuôn khổ cho quá trình hành động hướng đến thúc đẩy đạt được kết quả là bảo vệ con người.
b) Tiếp cập chuẩn mực quốc tế về bảo đảm ASXH và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới
ASXH tiếp cận dựa trên quyền được tiêu chuẩn hoá và quy định trong nhiều công ước quốc tế của Liên hợp quốc, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Đặc biệt, quyền được bảo đảm ASXH thể hiện rõ tại Điều 22 trong “Tuyên bố thế giới về nhân quyền” năm 1948 của LHQ, theo đó: “Mỗi người, với tư cách là thành viên của xã hội, đều có quyền được bảo đảm ASXH và quyền này phải được hiện thực hoá thông qua nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế, và phải phù hợp với cơ cấu tổ chức và nguồn lực của từng quốc gia, phù hợp với quyền kinh tế, xã hội và văn hoá không thể tách rời đối với nhân phẩm và quyền được phát triển tính cách tự do của cá nhân đó”. Hơn nữa, Điều 25 của Tuyên bố này còn ghi nhận: “(i) Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống phù hợp với sức khoẻ và sự no ấm cho bản thân và gia đình bao gồm: thực phẩm, quần áo, nhà ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết, quyền ASXH trong lúc thất nghiệp, đau ốm, tàn tật, goá bụa, tuổi già hay các tình huống thiếu thốn khác do hoàn cảnh ngoài khả năng kiểm soát của mình; (ii) Các bà mẹ và trẻ em phải được hưởng sự chăm sóc và trợ giúp đặc biệt. Tất cả mọi trẻ em, sinh có hôn thú hay không, đều được xã hội bảo vệ một cách bình đẳng”.
c) Tiếp cận kế thừa và tiếp tục phát triển, hoàn thiện hệ thống ASXH hiện hành
Nhận thức về quyền ASXH của người dân qua các kỳ Đại hội Đảng từ khi đổi mới đến nay là sự kế thừa, luôn phát triển phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế trong quá trình hội nhập. Đặc biệt, Nghị quyết 15 –NQ/TW của Đảng “về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020”, lần đầu tiên Đảng ta đã có nhận thức, quan điểm, giải pháp ở tầm chiến lược về bảo đảm ASXH tiếp cận dựa trên quyền con người. Quan điểm của Đảng là: “Hệ thống ASXH phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng”. Nghị quyết 15 – NQ/TW cũng xác định cấu trúc hệ thống ASXH bao gồm: (i) Việc làm, thu nhập và giảm nghèo; (ii) Bảo hiểm xã hội; (iii) Trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và (iv) Bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch và bảo đảm thông tin). Đó là cơ sở tư tưởng và định hướng cho việc thể chế hoá thành cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước và đang đi vào cuộc sống sinh động, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Do đó, chiến lược phát triển hệ thống ASXH giai đoạn 2021 – 2030 cần kế thừa những yếu tố, hạt nhân hợp lý về nhận thức, quan điểm, định hướng, chính sách ASXH hiện hành để tiếp tục hoàn thiện, nâng lên tầm cao mới cho giai đoạn 2021 – 2030.
2. Bối cảnh mới với những thách thức đặt ra đối với chiến lược ASXH giai đoạn 2020 – 2030
Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới có nhiều cơ hội, song chiến lược phát triển ASXH giai đoạn 2021 – 2030 cũng phải đối mặt với những thách thức lớn:
a) Thách thức về “bẫy thu nhập trung bình”: Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình là một cơ hội, điều kiện quan trọng đối với phát triển hệ thống ASXH giai đoạn 2021 – 2030. Song cũng là thách thức lớn phải vượt qua về tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Vấn đề đặt ra là phải tập trung nguồn lực và giải pháp đột phá nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó mới có tiền đề và điều kiện cơ bản để thực hiện một chính sách ASXH tiếp cận dựa trên quyền theo hướng bao phủ toàn dân được Hiến pháp hiến định.

Một trong những thách thức về ASXH thời gian tới là vấn đề già hóa dân số
b) Thách thức về già hoá dân số: Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng là lợi thế rất lớn, nhưng bắt đầu bước vào quá trình già hoá dân số từ năm 2017 khi tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10% và rất nhanh chóng trở thành một nước có dân số già. Như vậy, Việt Nam chỉ mất khoảng 15 năm để chuyển từ giai đoạn dân số trẻ sang giai đoạn dân số già ngay từ khi là một nước chưa giàu, trong khi các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ. Dân số già nhanh sẽ gây sức ép rất lớn đối với chính sách ASXH khi số đối tượng cần bảo đảm ASXH tăng lên nhanh chóng với quy mô ngày càng lớn.
c) Thách thức về tác động của biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu, nhất là xu hướng ấm lên của khí hậu toàn cầu và nước biển dâng, sẽ dẫn đến gia tăng tần suất và mức độ cực đoan của các hiện tượng thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt, bão, sóng thần... kéo theo nó là các thảm họa đối với con người, sản xuất... Chuẩn bị và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là bảo đảm ASXH.
d) Thách thức về hội nhập quốc tế: Hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá là tất yếu khách quan và cơ hội lớn đối với phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình hội nhập quốc tế áp lực cạnh tranh sẽ rất gay gắt trong lĩnh vực nguồn nhân lực, việc làm, thị trường lao động khu vực và thế giới... Trong bối cảnh đó, quá trình di dân, di chuyển lao động và di chuyển thể nhân ngày càng diễn ra mạnh mẽ, nhất là nông thôn – thành thị và trên thị trường lao động quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề bức xúc trong chính sách bảo đảm ASXH.
e) Thách thức về cải cách thể chế: Chính sách ASXH phải được hoàn thiện nhằm khắc phục các bất hợp lý hiện nay, đồng bộ hoá với các luật liên quan khác và nội luật hoá các cam kết quốc tế khi tham gia các hiệp định tự do thương mại (AFTA) thế hệ mới, CPTPP là một áp lực rất lớn đặt ra trong cải cách thể chế, cho việc thể chế hoá, thiết kế chính sách ASXH theo hướng đổi mới giai đoạn 2021 – 2030.
f) Thách thức về sự mất cân đối gữa nhu cầu và khả năng đáp ứng của hệ thống dịch vụ. Cùng với quá trình đa dạng hoá ASXH và tăng độ bao phủ ASXH ở Việt Nam cũng sẽ là quá trình gia tăng nhu cầu cung cấp dịch vụ công về ASXH với chất lượng đòi hỏi ngày càng cao đang và sẽ mâu thuẫn với khả năng đáp ứng còn rất hạn chế của hệ thông dịch vụ này trong giai đoạn 2021 – 2030.
3. Định hướng chiến lược phát triển và hoàn thiện hệ thống ASXH giai đoạn 2021 – 2030
Một là, xây dựng chuẩn ASXH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 – 2030 và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế:
- Thống nhất quy định chuẩn mức sống tối thiểu quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 làm cơ sở xây dựng chính sách, chế độ bảo đảm ASXH và mọi người dân có mức sống dưới mức này đều được hưởng lợi (mức chuẩn trợ cấp xã hội thấp nhất tiến tới bằng mức chuẩn này).
- Xây dựng mức chuẩn lương hưu xã hội thống nhất bằng hoặc cao hơn chuẩn mức sống tối thiểu quốc gia.
- Xây dựng mức chuẩn chế độ ưu đãi xã hội cao hơn chuẩn mức sống tối thiểu quốc gia để bảm đảm đối tượng người có công với cách mạng có mức sống trên mức trung bình của xã hội.
- Xây dựng sàn ASXH làm chuẩn bảo đảm ASXH cho người dân về tiếp cận đa chiều hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nước sạch sinh hoạt, nhà ở, văn hoá, thông tin...).
Hai là, tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống ASXH đa tầng, linh hoạt và có khả năng hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau:
- Thiết lập mối gắn kết trong chính sách và chương trình bảo đảm ASXH cho người dân theo vòng đời của một con người: Bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 6 tuổi => Trẻ em trên 6 tuổi đến dưới 16 tuổi là độ tuổi đang đến trường phổ thông chưa đến tuổi lao động => Tuổi trưởng thành đang trong độ tuổi lao động => Người cao tuổi (hết tuổi lao động). Mỗi độ tuổi có chính sách bảo đảm ASXH phù hợp, trong đó xác định rõ trách nhiệm đầu tư của Nhà nước, của người dân và cộng đồng; Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống ASXH đa tầng, linh hoạt, có sự chia sẻ:
Tầng 1: Tầng việc làm, thị trường lao động và giáo dục nghề nghiệp: Phát triển tầng này theo hướng thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả trên cơ sở chiến lược tăng trưởng cân bằng, an toàn, bao trùm, bền vững và sáng tạo để người lao động có tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình từ mức trung bình của lao động xã hội trở lên.
Tầng 2: Tầng BHXH, BHTN đa dạng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập quốc tế, có sự chia sẻ và bền vững (theo NQ 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH).
Tầng 3: Tầng ưu đãi xã hội theo hướng bảo đảm người có công với cách mạng có mức sống cao hơn mức trung bình của xã hội.
Tầng 4: Tầng TGXH đa dạng về mô hình, toàn diện cả vật chất và tinh thần phù hơp với vòng đời con người, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân (theo QĐ 488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đổi mới, phát triển TGXH giai đoạn 2017 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”).
Tầng 5: Tầng bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản trên cơ sở chuẩn sàn ASXH (giáo dục, y tế, nước sạch sinh hoạt, nhà ở, văn hoá, thông tin...) và theo hướng bao phủ toàn dân.
Ba là, phát triển và hoàn thiện hệ thống ASXH trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, cân bằng với phát triển và hoàn thiện hệ thống chăm sóc xã hội đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ ngày càng tăng của người dân:
- Sắp xếp các cơ sở chăm sóc xã hội công lập theo hướng có trọng điểm, hiện đại, chất lượng và hiệu quả; Phát triển mạnh các cơ sở chăm sóc xã hội ngoài công lập và dựa vào cộng đồng (các cơ sở, trung tâm, chăm sóc xã hội, nhà xã hội, gia đình...).
- Phát triển nhanh nghề công tác xã hội theo hướng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả.
Bốn là, cơ cấu lại nguồn lực bảo đảm ASXH theo hướng:
- Tăng đầu tư của Nhà nước cho chính sách, chương trình bảo đảm ASXH với quan điểm đầu tư cho ASXH là đầu tư cho phát triển và giữ vai trò nòng cốt.
- Cơ cấu lại các thông số đóng – hưởng BHXH, BHTN đảm bảo quỹ BHXH, BHTN cân đối vững chắc trong dài hạn (về mức đóng, mức hưởng, thời gian đóng, công thức tính lương hưu, tuổi nghỉ hưu, chi phí quản lý, đầu tư phát triển quỹ...).
- Phát triển mở rộng các quỹ ASXH (Quỹ đến ơn đáp nghĩa, quỹ tình thương, quỹ hỗ trợ khẩn cấp...) với sự đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, người dân, công đồng và quốc tế theo quy định của pháp luật.
Năm là, đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý lĩnh vực ASXH:
- Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển hệ thống ASXH tiếp cập theo quyền trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, tổng kết Nghị quyết 15 –NQ/TW và kinh nghiệm quốc tế để hình thành hệ thống quan điểm, định hướng mới về ASXH cho giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn xa hơn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế trong hội nhập.
- Thống nhất quản lý nhà nước lĩnh vực ASXH vào một đầu mối; tăng cường sự phối hợp trong hệ thống quản lý Nhà nước liên quan đến ASXH; phân cấp mạnh cho địa phương, cơ sở; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và sử dụng hiệu quả cơ chế thị trường trong đảm bảo ASXH.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước lĩnh vực ASXH theo hướng tinh giảm, có thể lực tốt, tri thức cao, có kỹ năng quản lý giỏi, có hành vi và ý thức chính trị, xã hội tốt; phát triển mạnh nhân viên công tác xã hội theo hướng chuyên môn hoá và chuyên nghiệp theo nhu cầu của xã hội
- Tách bạch chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước lĩnh vực ASXH của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ, thực hiện chính sách bảo đảm ASXH để tránh trùng chéo, lẫn lộn chức năng, nhiệm vụ hoặc xu hướng công chức hoá, hành chính hoá các đơn vị sự nghiệp này.
- Tiếp tục hiện đại hoá quản lý Nhà nước lĩnh vực ASXH trên cơ sở áp dụng công nghệ cao, xây dựng chính phủ/chính quyền điện tử (số hoá), gắn mã số ASXH...

TS. Nguyễn Hữu Dũng

laodongxahoi.net