02/07/2020 | lượt xem: 3 Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn lực về vốn vay, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển giao KHKT… để cải thiện thu nhập, góp phần giảm khoảng cách về giới trong lĩnh vực kinh tế. Giờ sản xuất tại công ty TNHH may mặc dệt kim Smart Shirts (Ân Thi) Năm 2015, chị Hồ Thị Giang ở xã Minh Châu (Yên Mỹ) học nghề làm hương trầm, sau đó khoảng 2 năm chị tiếp tục học nghề mây tre đan xuất khẩu. Cả hai lần học nghề chị đều được nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ hoàn toàn chi phí và được tạo việc làm ngay tại địa phương. Chị Giang cho biết: Nếu chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng thì chắc đến giờ gia đình tôi vẫn còn khó khăn. Nhà nước thu hồi đất, gia đình tôi có một khoản tiền tiết kiệm, lại được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm nên ngay trong năm đầu tiên, gia đình tôi đã thoát nghèo. Nhưng hạnh phúc nhất là tôi có thu nhập ổn định, có thời gian quán xuyến việc nhà và luôn đồng hành cùng con trong học tập. Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, trong 2 năm 2018 – 2019, toàn tỉnh có 551 doanh nghiệp, mô hình hộ kinh doanh cá thể do phụ nữ làm chủ được thành lập. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp tạo việc làm cho hàng trăm lao động nữ. Nữ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh là nữ đang đóng góp tích cực cho bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế. Bà Hoàng Thị Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Hưng Phát T&M (Phù Cừ) cho biết: Mình là chủ doanh nghiệp, nhưng cũng là chủ gia đình nên hiểu rõ mặt mạnh, điểm hạn chế của lao động nữ để bố trí việc làm, áp dụng chính sách phù hợp để họ phát huy hết khả năng, cống hiến cao nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh chính sách tạo động lực cho phụ nữ khởi nghiệp, mở rộng kinh doanh, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho gần 18,3 nghìn lao động nữ ở khu vực nông thôn. Phần lớn số lao động này sau khi học nghề đều được tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Những lao động không đủ điều kiện sức khỏe hoặc vì lý do khách quan thì được hỗ trợ công cụ, tư liệu để tự làm việc, kinh doanh tại nhà để duy trì thu nhập. Ước tính mỗi năm, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho khoảng 21 nghìn lao động, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 48,3%. Hoạt động vay vốn, giải quyết việc làm đối với các dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và vay vốn phát triển kinh tế của các cấp hội liên hiệp phụ nữ được mở rộng về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Theo tổng hợp của Hội LHPN tỉnh, đến nay các cấp Hội liên hiệp phụ nữ trong tỉnh tham gia quản lý trên 2 nghìn tỷ đồng; trong đó, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1.400 tỷ đồng cho 50 nghìn lượt hộ vay. Đồng thời, Hội LHPN các cấp cũng triển khai hiệu quả hoạt động tiết kiệm, tạo nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất. Từ năm 2011 đến nay, thông qua chương trình này đã có 11.523 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Thực hiện chương trình Dạy nghề - Việc làm - Giảm nghèo tỉnh Hưng Yên, các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các địa phương đã tích cực tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhất là các địa phương dành đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ; tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp với hơn 60% số người tham gia là lao động nữ. Mặc dù số lượng lao động nữ tham gia học nghề tăng hàng năm, nhưng chủ yếu chỉ tăng trong đào tạo sơ cấp nghề thời gian dưới 3 tháng và chủ yếu trong lĩnh vực may mặc, giày da, lắp ráp điện tử, chế biến nông sản. Một bộ phận lao động nữ nhận thức còn hạn chế, trình độ học vấn thấp nên việc tiếp cận khoa học - công nghệ còn khó khăn. Tỷ lệ lao động nữ đang làm việc qua đào tạo nghề đã phần nào được cải thiện, nhưng vẫn thấp hơn so với nam giới. Nhiều doanh nghiệp không tiếp nhận lao động trên 35 tuổi, làm giảm cơ hội tham gia thị trường lao động đối với nữ. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ chưa thực sự hấp dẫn. Tiếp tục thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, các ngành, địa phương cần tập trung một số giải pháp như: Phát huy hiệu quả sàn giao dịch việc làm; bảo đảm các điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ các nguồn lực kinh tế như: Đất canh tác, vốn tín dụng, thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách; bình đẳng về cơ hội tham gia sản xuất, kinh doanh; khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp. Mặt khác, có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và khuyến khích doanh nghiệp thu hút nhiều lao động nữ; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ... Điều quan trọng nữa là cần tuyên truyền, giáo dục làm thay đổi nhận thức và tư duy cho chính phụ nữ về giá trị của sự độc lập, tự chủ về kinh tế; xóa bỏ tư tưởng phụ thuộc, im lặng trước những vấn đề bất bình đẳng trong gia đình, môi trường làm việc… Từ đó, phụ nữ mới có thể tự tin, chủ động tạo chỗ đứng thực sự bình đẳng trong lĩnh vực lao động, việc làm, đóng góp cho sự phát triển của gia đình, đất nước và thực hiện bình đẳng giới. baohungyen.vn
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi trao hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023