Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: GDNN phải đi nhanh hơn, mạnh hơn trong chuyển đổi số

Đây là nội dung được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức sáng 18/01 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Lê Tấn Dũng; đại diện Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH. Về phía Tổng cục GDNN, có Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng, các Phó tổng Cục trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục.

Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 85,14%

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ LĐTBXH, Tổng cục GDNN đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, điều hành; tăng cường các diễn đàn, hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố để cùng nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ ở địa phương, cơ sở GDNN. Với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Tổng cục GDNN đã cùng cả nước vượt qua một năm 2021 đầy khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng.
Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người (đạt 85,14%); số học sinh, sinh viên tốt nghiệp ước 1.658.400 (đạt 80%); mạng lưới cơ sở GDNN giảm 08 cơ sở GDNN công lập và tăng 01 Trung tâm GDNN, theo đó cả nước có 1.904 cơ sở GDNN.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo Hội nghị.


Về công tác truyền thông, hướng nghiệp, khởi nghiệp, gắn kết thị trường lao động và việc làm, Tổng cục đã tham mưu trình Bộ hướng dẫn các địa phương ban hành Kế hoạch phát triển GDNN và nhân lực có kỹ năng nghề; Kế hoạch truyền thông GDNN giai đoạn 2021-2025; tăng cường truyền thông hoạt động dạy văn hóa trong các trường trung cấp, cao đẳng; phối hợp cùng Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát động cuộc thi viết về kỹ năng lao động Việt Nam theo chủ đề "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam - Skilling up Viet Nam"; ... Đồng thời, ký kết bản ghi nhớ hợp tác với các tập đoàn lớn trong năm vừa qua, như: SunGroup, Vingroup, Grab, Phú Thái Holding...
Trong công tác triển khai các chương trình đào tạo, Tổng cục GDNN đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến đối với các nội dung, môn học, mô đun phù hợp; ứng dụng công nghệ số từ khâu tư vấn, tổ chức tuyển sinh, đến quá trình đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để bảo đảm việc làm cho người học. Triển khai áp dụng mô hình đào tạo 3 tại chỗ, “một cung đường hai điểm đến”.
Bên cạnh đó, để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 371 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục GDNN đã chỉ đạo, hướng dẫn 45 trường được lựa chọn triển khai thực hiện công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo thí điểm 22 bộ chương trình chuyển giao từ Cộng hòa liên bang Đức và triển khai Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" tại Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, lao động tại các tỉnh bị thiên tai, biến đổi khí hậu tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long và lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo.
Riêng trong việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg, đến hết năm 2021, theo báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan bảo hiểm đã xác nhận cho 4.102 lao động tại 40 đơn vị sử dụng lao động làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo nghề, 13 đơn vị sử dụng lao động được phê duyệt hỗ trợ 4,33 tỷ đồng để đào tạo nghề, duy trì việc làm cho 1.252 người lao động.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở GDNN

Trước yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, trong năm qua, Tổng cục đã triển khai các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thực hiện thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, đặc biệt là đảm bảo kết nối hoạt động quản lý, hoạt động dạy và học. Trong đó, các cơ sở GDNN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số bằng sự chủ động đầu tư, nâng cấp, xây dựng các phần mềm quản lý, quản trị nhà trường, xây dựng nền tảng trực tuyến riêng phục vụ cho hoạt động dạy và học, xây dựng kho tài nguyên mở dùng chung, các nhà giáo đã sáng tạo xây dựng các học liệu số đưa vào bài giảng để nâng cao chất lượng dạy và học…
 
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định, công tác GDNN luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ Đảng và Chính phủ, cũng như của lãnh đạo Bộ. Thứ trưởng ghi nhận, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát trở lại song các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tích cực chuyển đổi số, có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh.
“Trong quá trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, Tổng cục GDNN đã đổi mới phương thức đào tạo từ một chiều, thủ công sang đào tạo trực tuyến, giảm tải lý thuyết. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển mối liên kết với doanh nghiệp, mở đầu ra cho người học”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý Tổng cục trong việc xây dựng thể chế và hoàn thành các đề án, Tổng cục cần đảm bảo tiến độ, sắp xếp nhân sự phù hợp, phân công tổ chức tốt, bố trí thời gian hợp lý, tránh lùi, tránh nợ văn bản.

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
 
Tập trung vào đào tạo mới và đào tạo lại
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh gia GDNN là một trong những nội dung nổi bật trong năm qua, đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt được kết quả đáng khích lệ, biểu dương.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để nâng cao vị thế GDNN trong xã hội cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống GDNN tập trung chuyển đổi số là việc hết sức đúng đắn. Chính vì vậy, GDNN phải thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn, mạnh hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, chúng ta đang ở thời kỳ cuối của dân số vàng. Nếu không biết chớp thời cơ thì Việt Nam sẽ mất cơ hội trong nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, trong khi đây là thời cơ rất lớn đối với GDNN. Nắm bắt được thời cơ về dân số vàng sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội, sẽ đổi mới được GDNN.
Các đại biểu cùng thực hiện nghi thức đưa Cổng dịch vụ công GDNN vào hoạt động.

Do đó, trong năm 2022, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Tổng cục GDNN cần đầu tư cho việc xây dựng thể chế về quy hoạch hệ thống, các kế hoạch chuyển đổi số, đầu tư về con người - cơ sở vật chất; chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng các đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thị trường.
Bên cạnh đó, Tổng cục cần đổi mới phương thức đào tạo, tập trung vào đào tạo mới và đào tạo lại, trong đó lấy đào tạo lại làm nền tảng phát triển; chú trọng đào tạo theo thị trường để cung - cầu gặp nhau. Muốn vậy phải chú trọng đến khâu đặt hàng nhưng quá trình đào tạo cũng cần chú trọng theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm khung đầu ra
Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng (bên trái) trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo vệ an ninh Tổ quốc cho Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cùng các đại biểu đã bấm nút hòa mạng, đưa Cổng dịch vụ công GDNN (http://dichvucong.gdnn.gov.vn/) vào hoạt động và liên thông cùng Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ LĐTBXH.
Ngoài ra, Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng đã vinh dự được Bộ Công an trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Hội nghị.

 
 

 

http://www.molisa.gov.vn/

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
30 người đang online