20/06/2011 | lượt xem: 2 Dạy nghề cho lao động nông thôn, người nghèo ở Hưng Yên Dạy nghề cho lao động nông thôn, người nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia ở tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua đã tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn người, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để chương trình đạt hiệu quả, chất lượng cao thì cần có sự tháo gỡ những khó khăn từ các cấp, các ngành. Năm 2008 Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Liên đoàn Lao động tỉnhđược giao 100 triệu đồng từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) về dạy nghề cho lao động nông thôn. Trung tâm đã mở được 2 khoá đào tạo may công nghiệp cho 115 học sinh với thời gian 3 tháng mỗi khóa học. Năm nay, trung tâm được giao 110 triệu đồng, trong đó 100 triệu đồng dành cho đào tạo lao động nông thôn, còn lại cho đối tượng nghèo. Trung tâm đã tuyển sinh 119 học viên và kết thúc 1 khoá cho 54 học viên, trong đó có 7 trường hợp là lao động nghèo. Tất cả các trường hợp sau đào tạo đã được trung tâm giới thiệu vào làm việc tại các công ty may trên địa bàn như: Công ty cổ phần may Hưng Yên, Công ty cổ phần may Phố Hiến, Công ty cổ phần may Tiên Hưng... Ông Nguyễn Kim Thắng, Phó giám đốc trung tâm cho biết: Năm nay số lao động nông thôn đến đăng ký học nghề tại trung tâm cao hơn khoảng 30% so với năm 2008. Nguyên nhân bởi nhu cầu tuyển dụng lao động ngành may ở các doanh nghiệp cao. Người lao động nâng cao nhận thức về sự cần thiết đào tạo nghề bảo đảm công việc bền vững, thu nhập ổn định và được thực hiện các chế độ, chính sách theo pháp luật. Chính vì vậy mà vừa qua có nhiều lao động đến xin được học nghề nhưng trung tâm không tiếp nhận hết bởi kinh phí đào tạo hạn hẹp. Để đáp ứng được nhu cầu học nghề của các đối tượng này, trung tâm đã làm tờ trình đề nghị Sở LĐ-TB&XH cấp thêm kinh phí. Riêng đối tượng nghèo do kinh phí phân bổ ít, một phần do tỷ lệ hộ nghèo hiện nay trong toàn tỉnh ngày càng giảm nên số người đăng ký học nghề thấp. Vừa qua chỉ có 7 trường hợp thuộc đối tượng nghèo đăng ký, vì vậy không đủ mở lớp riêng mà được bố trí học cùng lao động nông thôn. Năm 2009, Trường trung cấp nghề Hưng Yên được giao 550 triệu đồng từ kinh phí CTMTQG về dạy nghề, trong đó kinh phí dành cho đối tượng lao động nông thôn 500 triệu đồng, còn lại là người nghèo. Đây là năm đầu tiên trung tâm triển khai dạy nghề cho người nghèo. Với lượng kinh phí được giao, trường xây dựng kế hoạch dạy nghề cho 398 học sinh là lao động nông thôn và 25 học sinh nghèo thuộc các nghề: Điện dân dụng, quản lý điện nông thôn, may công nghiệp, hàn điện và sửa chữa xe máy. Đến nay đã có 10 lớp tốt nghiệp, còn lại đang đào tạo. Trước đó, năm 2007 và năm 2008 Trường trung cấp nghề Hưng Yên cũng được phân bổ kinh phí và dạy nghề cho gần 800 học sinh lao động nông thôn. Sau khi hoàn thành có 80% tổng số học sinh có việc làm với thu nhập từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện CTMTQG, năm 2009 tỉnh Hưng Yên được cấp 3.840 triệu đồng dạy nghề cho lao động nông thôn và người nghèo, giao cho 12 đơn vị thực hiện. Tính đến tháng 8, các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh và dạy nghề ngắn hạn (không quá 5 tháng) cho 2.108 lao động nông thôn và 143 người nghèo thuộc các nghề như: may công nghiệp, cơ khí, điện, điện tử, sửa chữa xe máy..., hầu hết số lao động sau đào tạo đều có việc làm và thu nhập ổn định. Có thể nói, thông qua CTMTQG về dạy nghề đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động, trong đó có lao động nông thôn và người nghèo. Điều đó đã góp phần tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân trong toàn tỉnh.Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều cơ sở dạy nghề và đánh giá của ngành chuyên môn thì bên cạnh những thuận lợi, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và người nghèo theo CTMTQG còn gặp khó khăn cần từng bước được tháo gỡ. Theo ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng đào tạo Trường trung cấp nghề Hưng Yên thì khó khăn chung cho các cơ sở dạy nghề hiện nay là hầu như các doanh nghiệp đều tự đào tạo nghề nên người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn. Mặt khác người lao động chưa mặn mà với học nghề. Về đội ngũ, số giáo viên cơ hữu của nhà trường chưa đủ về số lượng, nên phải mời giáo viên thỉnh giảng, chi phí cao, vì vậy đã ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, đào tạo. Cùng chung ý kiến này, ông Nguyễn Đình Hiệp, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng: Chất lượng, hiệu quả thực hiện CTMTQG về dạy nghề cho người nghèo và lao động nông thôn là chủ trương đúng, có hiệu quả bởi sau khi học nghề hầu hết đều có việc làm. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người học không phải đi xa, các cơ sở dạy nghề đều phải thuê địa điểm, thậm chí cả thiết bị nên chi phí rất lớn. Mặt khác, số lao động vào học nghề còn bỏ nhiều, nhất là nghề may. Trung tâm giới thiệu việc làm vừa có 196 học sinh tốt nghiệp nhưng trước đó có tới 25 trường hợp bỏ học, trong đó nghề may 22 người, nghề hàn bỏ 3 người. Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh bỏ học như thực hiện nghĩa vụ quân sự, có trường hợp nắm được kiến thức cơ bản rồi bỏ ra làm tại các doanh nghiệp mà không cần chứng chỉ... do vậy mà để đạt được “đầu ra” như kế hoạch tỉnh giao trung tâm đều phải tuyển sinh vượt số lượng. Đối tượng nghèo thường tập trung ở một số huyện xa trung tâm, nếu mở lớp tại địa phương thì khó khăn về cơ sở vật chất, phát sinh nhiều chi phí... Cùng với đó là cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm và trách nhiệm đối với công tác dạy nghề. Sự phối hợp giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp còn chậm. Công tác truyền thông chưa được chú trọng nên người lao động thiếu thông tin... Thường xuyên nghiên cứu, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn để dạy các ngành nghề cho phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động hiện nay là việc mà các đơn vị dạy nghề cần phải làm ngay. Cùng với đó, các cấp, các ngành cần vào cuộc tháo gỡ những khó khăn nêu trên. Riêng Sở LĐ-TB&XH cần tiếp tục tham mưu cho cấp trên và chỉ đạo các cơ sở, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác dạy nghề. Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở dạy nghề bảo đảm đủ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, nội dung, chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn và sớm trình cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập trung tâm dạy nghề của các huyện, thành phố. Có như vậy công tác dạy nghề cho người lao động nông thôn, người nghèo mới nâng cao hiệu quả, chất lượng và mang ý nghĩa trọn vẹn của một chương trình ưu việt. Và mới đây, sàn giao dịch việc làm được Trung tâm giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB&XH) khai trương và mở phiên giao dịch đầu tiên với những tín hiệu vui. Hy vọng đây sẽ là cầu nối giữa các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp và người lao động, qua đó thúc đẩy công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người nghèo nói riêng, góp phần nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.