11/10/2023 | lượt xem: 2 Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, các cơ sở GDNN cần đổi mới toàn diện, lấy chất lượng, hiệu quả là hàng đầu. Với phương châm lấy người học làm trung tâm và đào tạo những gì xã hội cần, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp… nên những năm qua tại Trường cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi, tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt 98%, một số nghề 100% học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp… Đồng chí Lý Hưng An, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi cho biết: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trường coi trọng việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Các nhà giáo phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới để nâng cao năng lực đào tạo. Trường thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp đê nâng cao chất lượng đào tạo và bổ sung kịp thời các ngành, nghề phù hợp với nhu cầu của thực tế và đưa học sinh đến thực tập để các em có điều kiện thực hành. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu trường chỉ đạo các phòng, khoa chuyên môn xây dựng chương trình, giáo trình theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… Nhờ vậy, chất lượng đào tạo được nâng cao, học sinh, sinh viên tốt nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của nhà tuyển dụng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy là một trong những giải pháp đang được Trường cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên chú trọng thực hiện để nâng cao chất lượng giảng dạy. Đến nay, trường đã trang bị gần 300 bộ máy tính để phục vụ công tác giảng dạy và làm việc của cán bộ, giảng viên. Việc quản lý cán bộ, và viên chức, người lao động; quản lý đào tạo; tài chính... đã và đang được số hóa và quản lý bằng phần mềm. Trong hoạt động giảng dạy, trường đã trang bị phần mềm quản lý dạy học trực tuyến E-learning, xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến, sử dụng các phần mềm, ứng dụng để dạy học trực tuyến như: Zoom, Google Meet... Các nhà giáo quan tâm xây dựng giáo án điện tử; sử dụng máy chiếu trong giảng dạy… để tạo sức hấp dẫn, nhiều góc nhìn, tiếp cận kiến thức đa chiều cho người học. Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, giai đoạn vừa qua, tỉnh đã tổ chức rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Sau khi rà soát, sắp xếp, toàn tỉnh hiện có 26 cơ sở GDNN, gồm 17 cơ sở công lập, 9 cơ sở tư thục. Cơ bản mạng lưới cơ sở GDNN đã được rà soát, sắp xếp lại phù hợp với thực tiễn, sau khi sắp xếp lại, các cơ sở hoạt động ổn định. Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo GDNN từng bước được đào tạo, bồi dưỡng tiến tới đạt chuẩn về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm; chất lượng cán bộ quản lý GDNN cũng từng bước được nâng cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 320 cán bộ quản lý, 1.119 nhà giáo GDNN và khoảng gần 1.000 nghệ nhân và công nhân lành nghề cùng thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, truyền nghề. Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được đầu tư theo danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu và nội dung chương trình đào tạo. Một số ngành, nghề trọng điểm được đầu tư thiết bị đồng bộ, hiện đại, tiên tiến phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Chương trình, giáo trình đào tạo thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế; đưa nội dung kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp; an toàn, vệ sinh lao động vào chương trình đào tạo, chú trọng phát triển phẩm chất, giáo dục nhân cách. 100% trường cao đẳng, trung cấp sử dụng giáo án điện tử, quản lý hồ sơ, sổ sách bằng phần mềm điện tử, có Website riêng để giới thiệu và thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Một số cơ sở, đặc biệt là các trường cao đẳng, trung cấp đã bước đầu áp dụng công nghệ và học liệu số trong đào tạo, đặc biệt các khối ngành kỹ thuật, ứng dụng các chương trình mô phỏng vào dạy học. Bên cạnh đó, các cơ sở thực hiện số hóa học liệu, xây dựng thư viện điện tử trong nhà trường để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên trong quá trình tra cứu, nâng cao hiệu quả học tập. Các hoạt động về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp dần đi vào ổn định. 100% cơ sở GDNN thực hiện tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; 100% học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng, trung cấp được thực tập trong doanh nghiệp; trình độ sơ cấp, ngắn hạn, người học được tham quan, trải nghiệm tại doanh nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, có khoảng trên 92% người tốt nghiệp đã có việc làm. Tính đến hết năm 2022, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,5%. Chất lượng và hiệu quả GDNN đã có những chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, nguồn lao động qua đào tạo nghề, nhất là lao động có kỹ năng nghề phục vụ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Chất lượng hiệu quả hoạt động của một số cơ sở GDNN còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp. Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN, ngày 1/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 213-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ trên 45%; 30%-35% số học sinh THCS tham gia hệ thống GDNN; 50%- 55% số học sinh tốt nghiệp THPT tham gia hệ thống GDNN; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên trên 50% lực lượng lao động; tỉ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt trên 80%... Hiện thực hóa mục tiêu trên, Kế hoạch đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác GDNN được thực hiện đồng bộ như: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người dạy nghề; phát triển chương trình, học liệu, phương pháp và thiết bị đào tạo… Thu Yến baohungyen.vn
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lớp huấn luyện định kỳ cho người làm công tác an toàn vệ sinh lao động
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi trao hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão số 3