28/03/2018 | lượt xem: 12 Dự báo tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại Ở Việt Nam, vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em có những diễn biến mới, phức tạp. Năm 2017, số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được can thiệp, xử lý tuy giảm 49 vụ so với 2016 nhưng số trẻ em nạn nhân xâm hại tình dục lại tăng 186 em . Điều này cho thấy: một trẻ em có thể bị bạo lực, xâm hại nhiều lần trong một thời gian dài hoặc một thủ phạm xâm hại tình dục nhiều em. Có phải chỉ khi báo chí phát hiện, phản ánh, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo thì vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em mới được giải quyết? Bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở bất kỳ quốc gia và nền văn hóa nào. Ước tính toàn cầu có khoảng 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân của bạo lực và xâm hại tình dục[1]. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỉ lệ trẻ em bị bạo lực và xâm hại cao. xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng ở nhiều quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh mạng internet và mạng xã hội ngày càng có nhiều người sử dụng. Hội nghị Hợp tác Nam - Nam khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNICEF năm 2016 đã thảo luận và bàn về các giải pháp để đối phó với tình trạng này; Các sáng kiến toàn cầu về chấm dứt bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đang được phát động mạnh mẽ. Báo cáo Tình hình trẻ em thế giới năm 2017 của UNICEF cũng có chủ đề “Trẻ em trong thế giới công nghệ số”, trong đó cảnh báo nạn xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em phát biểu tại Lễ khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 Ở Việt Nam, vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em có những diễn biến mới, phức tạp. Năm 2017, số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được can thiệp, xử lý tuy giảm 49 vụ so với 2016 nhưng số trẻ em nạn nhân xâm hại tình dục lại tăng 186 em[2]. Điều này cho thấy: một trẻ em có thể bị bạo lực, xâm hại nhiều lần trong một thời gian dài hoặc một thủ phạm xâm hại tình dục nhiều em. Qua điểm báo định kỳ của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các vụ xâm hại tình dục trẻ em mang tính loạn luân và vi phạm nghiêm trọng đạo đức đang có xu hướng tăng, đồng thời, xuất hiện thêm các nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em thông qua mạng xã hội, người Việt Nam ra nước ngoài xâm hại tình dục trẻ em, người nước ngoài vào Việt Nam xâm hại tình dục trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em trai. Trong năm 2017, các vụ việc bạo lực trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, bạo lực nghiêm trọng trong gia đình do cha, mẹ gây ra tiếp tục gây bức xúc dư luận. Số trẻ em dưới 4 tuổi bị bạo lực có số lượng lớn nhất (53/185 trẻ em). Thời gian qua, đặc biệt trong các năm 2016- 2107, báo chí đã lên tiếng phản ánh kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại/xâm hại tình dục trẻ em. Đặc biệt, Chủ tịch Nước, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, có ý kiến chỉ đạo giải quyết một số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong xã hội. Cũng trong năm 2017, đã có sự chuyển biến rõ rệt về ưu tiên can thiệp, xử lý của các cơ quan tư pháp đối với vụ việc mới phát sinh cũng như rà soát, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tồn đọng. Thông tin, phát hiện về bạo lực, xâm hại/xâm hại tình dục trẻ em qua báo chí là nguồn tin để các cơ quan, dịch vụ bảo vệ trẻ em vào cuộc hỗ trợ nạn nhân, xử lý thủ phạm. Ngoài việc tiếp nhận, và xử lý các vụ việc được báo chí phản ánh trong năm 2017 (với khoảng 500 trẻ em là nạn nhân), các cơ quan chức năng còn thường xuyên tiếp nhận thông tin từ người dân, từ công tác nắm tình hình cơ sở. Trung bình mỗi năm có gần 2.000 trẻ em là nạn nhân bạo lực, xâm hại, chủ yếu là xâm hại tình dục được công an các cấp can thiệp, điều tra. Tổng đài Tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567 nay là Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (thuộc Cục Trẻ em) hằng năm cũng tư vấn, hỗ trợ gần 2.000 trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em. Dự báo trong những năm tới, số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện, hỗ trợ, can thiệp sẽ tăng hay giảm? Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em là không thể chấp nhận, bằng mọi cách phải phòng ngừa, ngăn chặn và nghiêm trị. Tuy nhiên, đây là thực trạng không thể giảm thiểu trong một thời gian ngắn, trong ngày một ngày hai, do nhiều nguyên nhân từ các vấn đề đạo đức và xã hội. Do non nớt về thể chất, tinh thần, sức tự kháng cự yếu, trẻ em dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, xâm hại. Các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em phần lớn do chính cha, mẹ, người thân, người quen biết, bạn bè, người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em gây ra. Có tới 84/131 đối tượng gây bạo lực và 151/236 đối tượng xâm hại tình dục là người thân thích hoặc người trẻ em quen biết[3]. Các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em không tập trung ở một nhóm xã hội cá biệt nào, thủ phạm thường không kìm nén được dục vọng thấp hèn hoặc do thiếu hiểu biết về hình phạt của pháp luật hoặc tìm mọi cách trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia (Hàn Quốc, Nhật Bản...) cho thấy khi pháp luật về bảo vệ trẻ em có quy định cụ thể về cơ chế tiếp nhận thông tin, có các quy định về bảo vệ, bảo mật cho người cung cấp thông tin, tố cáo và khi dịch vụ công tiếp nhận, xử lý thông tin được phổ biến rộng rãi và đặc biệt khi nhận thức xã hội về thực hiện quyền trẻ em, về bảo vệ trẻ em được nâng cao thì thông tin, tố cáo, tố giác về bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ có xu hướng tăng lên. Nạn nhân và gia đình, người dân từ chỗ không muốn hoặc không dám tố giác, tố cáo thì khi nhận thức đã thay đổi và được bảo vệ, họ sẽ lên tiếng vì lợi ích chung. Việt Nam cũng đang có diễn biến tương tự. Dự báo trong thời gian tới, số lượng thông tin, thông báo, tố cáo, tố giác về vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trong đó có xâm hại tình dục sẽ không giảm và thực tế đang tăng lên. Nhận thức xã hội về thực hiện quyền trẻ em, về bảo vệ trẻ em có chuyển biến. Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em cũng như quy định cụ thể biện pháp, trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng ngừa giảm thiểu nguy cơ và hỗ trợ, can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị xâm hại. Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 có vị trí pháp lý rõ ràng và đã chính thức vận hành. Các cơ quan chức năng, các dịch vụ về bảo vệ trẻ em và chính quyền địa phương triển khai việc kết nối, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại trẻ em cũng như xử lý các đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục kịp thời hơn. Năm 2017, tổng số cuộc gọi đến Tổng đài điện thoại Tư vấn và hỗ trợ trẻ em thuộc Cục Trẻ em (hiện nay là Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111) tăng 40.000 cuộc (hơn 370.000 cuộc gọi so với hơn 330.000 cuộc năm 2016). Trong đó có gần 2.000 ca tư vấn về bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 7,7% tổng số ca tư vấn của Tổng đài và tăng 3% so với năm 2016[4]. Số liệu báo cáo của Bộ Công an cũng cho thấy xu hướng tương tự, năm 2015, có 1.371 trẻ em, năm 2016 có 1.211 trẻ em và năm 2017 có 1.397 trẻ em bị xâm hại tình dục. Phải làm gì để phòng, chống bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em? (i) Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Thủ tướng chỉ thị Bộ Công an và đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao rà soát hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em để xử lý dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài; tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Thủ tướng chỉ thị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn, không hỗ trợ, can thiệp kịp thời cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Chủ tịch UBND của 33 tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 5 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” là một trong những hoạt động thiết thực để phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em (ii) Các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, thanh tra, đánh giá việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em và Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ. (iii) Thực hiện có hiệu quả Dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em trong Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 về phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020, bảo đảm nguồn lực Nhà nước cả tài chính và nhân lực cho việc hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em có nguy cơ cao hoặc bị bạo lực, xâm hại và xâm hại tình dục, bảo đảm cho nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ phục hồi, hòa nhập. (iv) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm bạo lực, xâm hại/xâm hại tình dục trẻ em. Trước hết là các quy định về giám định pháp y trong pháp luật về giám định tư pháp để bảo đảm các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được điều tra nhanh chóng, thu thập kịp thời, đầy đủ bằng chứng; tăng quyền yêu cầu giám định cho cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; có sự phối hợp giữa công tác xã hội hỗ trợ nạn nhân với thu thập, cung cấp chứng cứ xâm hại trẻ em cho quá trình tư pháp. Sửa đổi, bổ sung pháp luật về tố tụng hình sự để bảo đảm việc điều tra, xét xử vụ việc bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em không có nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em là nạn nhân. Sửa đổi, bổ sung pháp luật xử lý vi phạm hành chính để tăng mức xử phạt hành chính hành vi bạo lực đối với trẻ em. Quy định chế tài xử lý việc phản ánh vụ việc bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng vi phạm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. (v) Triển khai nhiều biện pháp, nhiều kênh truyền thông, giáo dục cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và chính trẻ em kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thông báo, tố cáo và cùng giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em; cập nhật kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. (vi) Thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 11/2107, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì chuẩn bị tổ chức Hội nghị trực tuyến quốc gia về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em để đánh giá đúng thực trạng, phân tích nguyên nhân; đánh giá đúng các biện pháp phòng ngừa, xử lý vụ việc và hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em là nạn nhân; tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm xã hội của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại; kiến nghị, đề xuất các biện pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết có hiệu quả vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em./. [1] www.unicef.org/vietnam/vi/media_21222.html [2] Nguồn: Bộ Công an [3] Nguồn: Điểm báo định kỳ- Cục Trẻ em- Bộ LĐTBXH [4] Nguồn: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em laodongxahoi.net
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi trao hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023