Hội nghị Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ

(Molisa.gov.vn) - Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), sáng ngày 23/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị "Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ". Việc xây dựng “Ngân hàng Gen” cho liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.

Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu tham dự Hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phòng dân tộc và tưởng niệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị. Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Đặc biệt, dự Hội nghị có hơn 400 đại biểu là người có công với cách mạng qua các thời kỳ; cán bộ lão thành cách mạng; cán bộ tiền khởi nghĩa, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; đại diện thân nhân liệt sĩ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi sức khỏe các Mẹ Việt Nam anh hùng

Toàn cảnh Hội nghị

Trước khi diễn ra Hội nghị, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu tham dự Hội nghị dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tưởng niệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chế độ ưu đãi người có công ngày một nâng cao

Báo cáo tri ân người có công với cách mạng toàn quốc năm 2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo tri ân người có công với cách mạng toàn quốc năm 2024

"Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 quy định điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất qua các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong nhiều thập kỷ vừa qua, được dư luận xã hội và người có công, thân nhân hoan nghênh, ủng hộ" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. 10 năm qua (2013 - 2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Tham dự Hội nghị có trên 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước

Các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được quan tâm, chăm sóc, tu bổ, cả nước đã tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, chỉnh trang trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, trên 4.000 công trình ghi công liệt sĩ. Tiến hành chuẩn hoá thông tin bia mộ liệt sĩ, 02 năm qua đã điều chỉnh 20.000 bia mộ đang ghi "Liệt sĩ vô danh", đến nay cả nước tuyệt đại bộ phận thống nhất ghi “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” theo quy định.

Qua 6 năm, ngành LĐTBXH đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ, trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, phần lớn là liệt sĩ trong thời kỳ chống Pháp và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. 

“Đây là việc làm vô cùng khó khăn do thời gian đã quá lâu, hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất… điển hình như trường hợp cụ Phạm Khánh, chiến sĩ cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh năm 1931, sau 92 năm mới tìm được dữ liệu, được công nhận liệt sĩ”, Bộ trưởng trăn trở.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian vừa qua đối với công tác này.

Vinh danh và biểu dương những tấm gương tiêu biểu của các thương binh, bệnh binh, thân nhân người có công

Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 có sự góp mặt trên 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước. Trong đó, 13 đại biểu là lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, 6 Mẹ Việt Nam anh hùng, 36 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, hơn 200 thương binh, trong đó có 22 thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, 44 bệnh binh, 53 thân nhân liệt sĩ và các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu khác.

Đặc biệt, trong số các đại biểu tham dự buổi gặp mặt có 33 đại biểu là người dân tộc thiểu số như: Bana, Chăm, Ê đê, Hrê, Jrai, Mường, Nùng, Paco, Ragiai, Tày, Thái…

Đại biểu người có công tham dự Hội nghị

Tiêu biểu là bác Lê Quang A, năm nay tròn 100 tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng, đến từ tỉnh Hà Tĩnh, là cán bộ tiền khởi nghĩa, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thạnh, sinh năm 1932 đến từ Bình Định. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Mẹ đã mất những người thân yêu, ruột thịt của mình, đó là chồng, con và chị gái là liệt sĩ.

Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển năm xưa chiến đấu bên cây cầu Hàm Rồng lịch sử với câu chuyện như huyền thoại về nữ dân quân chỉ nặng 42 kg vác 2 hòm đạn nặng 98kg để tiếp đạn cho bộ đội, biểu tượng cho ý chí quật cường của quân và dân Việt Nam. Năm 1967, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi chỉ mới 21 tuổi.

Đại biểu Rơ Châm Thoi, sinh năm 1950, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, là người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày kiên trung, bất khuất. Vượt lên khó khăn do sức khỏe yếu, vết thương cũ tái phát mỗi khi trái gió trở trời, ông luôn gương mẫu tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, được nhân dân trong thôn làng công nhận là Già làng người có uy tín.

Anh hùng lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên là Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục xây dựng lực lượng công an nhân dân, 94 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, hiện bác là Trưởng Ban Liên lạc công an chi viện miền nam, là cánh chim đầu đàn của lực lượng công an nhân dân Việt Nam.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu nhiều con số thể hiện nỗ lực tri ân, chăm sóc người có công và gia đình

Vợ liệt sĩ Trương Thị Lài sinh năm 1957 đến từ Thừa Thiên Huế hay người nữ anh hùng người dân tộc Tày - Lâm Thị Mây, sinh ra và lớn lên tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Mang trên mình vết thương có tỷ lệ 61%, bà luôn là tấm gương sáng trong cộng đồng.

Thiếu tướng Mai Hoàng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, người mà những băng nhóm tội phạm buôn bán, vận chuyển ma tuý rất đỗi khiếp sợ. Anh trực tiếp tham gia 58 trận đánh vũ trang trong các chuyên án lớn, đối mặt với những băng nhóm ma tuý có vũ trang xuyên biên giới; một người chỉ huy xuất sắc, góp phần quan trọng trong việc giảm rõ rệt tình trạng cướp giật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, bảo vệ an ninh trật tự cho người dân.

Anh hùng Lê Văn Kiểm, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, người 02 lần được phong tặng anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Cùng với các hoạt động xã hội, ông đã đồng hành cùng với Ngành LĐTBXH trong nhiều năm qua trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng, đền ơn đáp nghĩa, tri ân đồng đội với số tiền hỗ trợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

"Ngân hàng Gen" - mở ra hy vọng xác định danh tính liệt sĩ

Đất nước ta kết thúc chiến tranh gần 50 năm, có 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống nhưng vẫn còn hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa quy tập được hoặc chưa xác định danh tính; trong đó có hơn 23.000 hài cốt liệt sĩ còn nằm lại rừng sâu, khe lạnh. Do đó, từ nhiều năm qua, công tác quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ưu tiên triển khai thực hiện.

Cả nước đang quyết tâm

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237) do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) do Bộ LĐTBXH triển khai.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu bấm nút kích hoạt Ra mắt “ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ”

Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25.000 dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân. tại Hội nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an đề xuất Chính phủ xây dựng Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ.

Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

"Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan, chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung trao kết quả giám định gen xác định danh tính hài cốt cho thân nhân 10 gia đình liệt sĩ

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đại diện người có công đã thực hiện nghi thức ra mắt “Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Việc xây dựng “Ngân hàng Gen” liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.

Trong bối cảnh công tác giám định gen còn nhiều khó khăn, không ít gia đình liệt sĩ đã đón nhận niềm vui vỡ òa sau nửa thế kỷ chờ đợi: nhờ kết quả giám định ADN mà tìm dược mộ người thân. 

Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã trao kết quả giám định Gen tới 10 gia đình liệt sĩ. Trong đó, có 4 gia đình đã hoàn thành việc xác định hài cốt, đưa liệt sĩ về quê hương.

Là một trong 4 gia đình tìm được thân nhân của mình thông qua giám định gen, bà Phạm Thị Vinh, em gái liệt sĩ Phạm Văn Phước vui mừng, xúc động suốt 2 tuần nay khi xác định được chính xác thông tin của người anh trai. "Nhiều năm nay, gia đình tôi đi tìm anh rất vất vả. Nay cuối cùng đã tìm được anh trở về. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, các cơ quan, bộ, ngành đã giúp đỡ gia đình tôi tìm và đưa anh về", bà Vinh xúc động chia sẻ.

Cả nước ghi nhớ quá khứ hào hùng, luôn ý thức tri ân, quan tâm những người đã hi sinh xương máu cho đất nước

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng những tình cảm sâu nặng, lòng tri ân sâu sắc và lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất; bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, người luôn đặc biệt quan tâm chăm lo công tác người có công với cách mạng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Nhắc lại truyền thống uống nước nhớ nguồn, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người có công với đất nước và sự ra đời của Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Bày tỏ tri ân gần 1,2 triệu người con ưu tú đã dũng cảm xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu và hy sinh quên mình vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, biết bao người con đã mãi mãi không trở về, máu thịt các anh, các chị đã hòa quyện vào hồn thiêng sông núi; có người được may mắn trở về nhưng đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam; không ít những đứa trẻ sinh ra trong hòa bình nhưng phải chịu rất nhiều thiệt thòi, mang trong người di chứng nặng nề của chiến tranh mà không có gì bù đắp được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu nhiều đau thương, mất mát nhất sau Chiến tranh thế giới thứ II, sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao quà tặng người có công với cách mạng

Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia, vùng lãnh thổ, và là hình mẫu của gác lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai và khôi phục vết thương sau chiến tranh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cùng sự phát triển của đất nước, được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc; càng phấn khởi với những thành tựu đã đạt được, càng tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, chúng ta càng tự hào về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", và mãi mãi ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng chiến đấu, cống hiến, hy sinh xương máu cho Tổ quốc, cho Nhân dân.

Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không ngừng được nghiên cứu được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.

Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Theo Thủ tướng, mặc dù Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo người có công và thân nhân với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả, nhưng chúng ta vẫn không khỏi day dứt, trăn trở khi đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; những số phận thiệt thòi của các nạn nhân chất độc da cam...

Công tác tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ngày càng khó khăn; còn khoảng 180 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập; khoảng 600 nghìn mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc còn thiếu thông tin, cần bổ sung, xác định danh tính…

Tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Trong đó, phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 14/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, để người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần "không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ta".

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Thông và Truyền thông... cùng tặng quà, hoa tri ân các đại biểu là người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng, đồng thời cương quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng chính sách trong công tác này; đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác minh, kết luận thông tin bằng phương pháp thực chứng với mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ.

Cùng với đó, tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhất là cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung đa dạng, sâu sắc, thiết thực, hiệu quả và chân tình trên nhiều phương tiện với cách làm mới, sáng tạo theo phương châm "dễ nghe, dễ nhìn, dễ hiểu, dễ làm, dễ noi gương", "rõ người, rõ việc, rõ thời gian và thực sự tiêu biểu", tạo động lực, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Thủ tướng mong người có công với cách mạng trên cả nước nói chung, tiếp tục phát huy truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, học tập và tu dưỡng, luôn là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tri ân, chăm lo đối với người có công với cách mạng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tất cả mọi người hãy luôn luôn ghi nhớ, tri ân và tâm niệm "Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân!", như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh.

Kết thúc Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Thông và Truyền thông... cùng tặng quà, hoa tri ân các đại biểu là người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa.

https://www.molisa.gov.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
30 người đang online