13/05/2020 | lượt xem: 3 Kế hoạch gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2020 Thực hiện Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Công văn số 786/LĐTBXH-TCGDNN ngày 02/3/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; Nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội, ngày 21/02/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2020. Các nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: 1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư vấn, tuyển sinh đào tạo gắn với thị trường lao động với doanh nghiệp - Đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác đào tạo nghề, nâng cao số lượng tuyển sinh học nghề góp phần thúc đẩy tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu nghề theo nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh. - Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, diễn đàn ở các cấp độ và phạm vi khác nhau về phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với cơ cấu kinh tế, thị trường lao động và việc làm bền vững. - Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của đào tạo nghề nghiệp đối với sự phát triển của doanh nghiệp để từ đó chủ động tham gia, đóng góp chính và tích cực vào hoạt động đào tạo nghề nghiệp. - Phát triển mạnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ hội thuận lợi nhất cho thanh niên và người lao động học nghề, lập nghiệp. - Thực hiện công tác tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường. Tăng cường thông tin về chính sách của Nhà nước đến với doanh nghiệp, thiết lập kênh thông tin (website, email, điện thoại…) về hợp tác với doanh nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp - Triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp cận nền giáo dục nghề nghiệp tiên tiến trong khu vực và thế giới; thực hiện liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài. - Tăng cường công tác quản lý việc dạy và học, mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần lựa chọn một hoặc một số nghề để đầu tư mũi nhọn nhằm xây dựng thương hiệu của đơn vị, định vị ngành nghề đào tạo đối với người học nghề. - Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, thực hiện các biện pháp đồng hành cùng doanh nghiệp; phối hợp, liên kết chặt chẽ để doanh nghiệp, chú trọng tới những biện pháp mang tính chiến lược dài hạn về lao động để đảm bảo cho các hoạt động đào tạo nghề nghiệp đáp ứng được Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm ở các cấp. - Thực hiện tốt công tác tự kiểm định chất lượng đào tạo nghề nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. 3. Xây dựng, thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích hợp tác - Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, ban hành các chính sách khuyến khích giáo dục nghề nghiệp, cơ chế liên thông giữa các cấp học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nâng cao trình độ giữa các cấp đào tạo. - Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2394/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020. - Thực hiện có hiệu quả chính sách miễn giảm thuế doanh nghiệp đóng góp và tham gia đào tạo theo Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính. - Thực hiện bồi dưỡng kỹ năng nghề để duy trì việc làm và hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 và Thông tư số 32/2018/TT-LĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. - Khuyến khích doanh nghiệp vay vốn để thực hiện các hoạt động giáo dục nghề nghiệp đặc biệt ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực. - Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp; hỗ trợ trong kết nối nhà trường với doanh nghiệp; hỗ trợ học phí, chi phí đào tạo, hỗ trợ thông tin truyền thông trong tuyển sinh, tuyển dụng… 4. Thực hiện hợp tác giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp - Phối hợp thực hiện cung cấp thông tin về cung cầu lao động trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động; nhu cầu tuyển dụng, việc làm của các doanh nghiệp. - Các sơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo phương châm lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu; việc đào tạo phải gắn với tuyển dụng, việc làm. Đào tạo phải đảm bảo chất lượng, cơ cấu nghề nghiệp và trình độ đào tạo đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng việc làm của doanh nghiệp và thị trường lao động. Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp cùng tham gia tuyển sinh theo nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau tốt nghiệp cho người học thông qua các hợp đồng liên kết đào tạo với doanh nghiệp; đặt hàng đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp. - Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội trong việc tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đào tạo, đánh giá và tuyển dụng lao động; cung cấp đầy đủ thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp theo ngành, nghề, lao động hàng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ trách nhiệm thoả thuận trong hợp đồng ký kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp. - Phân công nhân sự, cán bộ cụ thể phụ trách, theo dõi việc thực hiện gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Chủ động tiếp cận, truyền thông và thiết lập các kênh thông tin về hợp tác với các doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp về năng lực đào tạo và cung ứng nhân lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương cho doanh nghiệp khi tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều nhân lực lao động kỹ thuật. 5. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước - Tăng cường công tác thống kê, thiết lập hệ thống phân tích dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo với dự báo về thị trường lao động, việc làm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của tỉnh. - Thực hiện tốt sự phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp, việc làm, thị trường lao động từ tỉnh đến cơ sở. Phối hợp chặt chẽ giữa tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng việc làm sau đào tạo, để tránh người học ra trường không có việc làm gây lãng phí cho gia đình và xã hội. - Đẩy mạnh việc hợp tác 03 bên Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp thông qua các chương trình hợp tác giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Thực hiện đa dạng hoá các hình thức hợp tác như: xây dựng chuẩn đầu ra; xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức ký kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp; hợp tác tổ chức, bồi dưỡng kỹ năng và cấp chứng chỉ nghề cho lao động của doanh nghiệp và việc tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho doanh nghiệp. - Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chuyển đổi, bổ sung nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, tập trung các nghề thuộc ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp khác, các dự án có hàm lượng kỹ thuật, thân thiện với môi trường và đào tạo nguồn nhân lực nhằm giải quyết lao động cho Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp. - Khai thác các nguồn lực từ trung ương, địa phương để đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện bộ máy, cơ chế chính sách, phương pháp quản lý về giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng của công tác đào tạo, phát triển và sử dụng nhân lực, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. - Thành lập bộ phận hợp tác với doanh nghiệp ở các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện các mô hình hợp tác liên kết giữa đào tạo và việc làm. Khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tiếp cận và tìm đến các doanh nghiệp ký kết chương trình hợp tác, liên kết đào tạo. - Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện trách nhiệm trong hợp đồng liên kết hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp. Nội dung chi tiết: KH 23 Văn phòng Sở