31/12/2024 | lượt xem: 45 Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới lĩnh vực lao động, xã hội giai đoạn 2021-2025 và đề xuất thực hiện giai đoạn 2026-2030 I. CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 1. Kết quả công tác xây dựng, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện Chương trình ở các cấp Thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh Hưng Yên, từ năm 2021 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản trọng tâm thực hiện hiệu quả các tiêu chí do ngành phụ trách, cụ thể như sau: Tỉnh ủy ban hành 07 văn bản; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 03 văn bản ; UBND tỉnh ban hành 35 văn bản. Thực hiện các Quyết định của UBND tỉnh ngày 27/5/2022: số 1154/QĐ-UBND về ban hành Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; số 1156/QĐ-UBND ban hành Bộ tiêu chí về xã nông thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; số 838/QĐ-UBND về sửa đổi một số nội dung tiêu chí của Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực lao động, xã hội trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau: - Công văn số 938/LĐTBXH-BTXH ngày 29/3/2022 về việc đề xuất quy định nội dung trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; - Công văn số 2180/LĐTBXH-BTXH ngày 22/6/2022 về việc giao triển khai, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực lao động, xã hội trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Hưng yên giai đoạn 2021-2025; - Công văn số 2218/SLĐTBXH-BTXH ngày 24/6/2022 về việc hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực lao động, xã hội trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025; - Công văn số 3492/SLĐTBXH-BTXH ngày 19/9/2022 về việc hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực lao động, xã hội trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 thay thế Công văn số 2218/LĐTBXH-BTXH ngày 24/6/2022; - Công văn số 2433/SLĐTBXH-BTXH ngày 13/5/2024 về việc hướng dẫn thực hiện việc sửa đổi chỉ tiêu thuộc lĩnh vực lao động trong Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, hằng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện về lĩnh vực giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, trẻ em, bình đẳng giới góp phần triển khai hiệu quả các tiêu chí thuộc lĩnh vực ngành phụ trách. Trong quá trình triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 - 2025 để phù hợp thực tiễn của địa phương. Theo đó, đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách, đã bãi bỏ nội dung 2.3 Chỉ tiêu số 12.3 về “Tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn” nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình phấn đầu hoàn thành xây dựng nông thôn mới. 2. Kết quả thực hiện công tác kiện toàn, thành lập hệ thống bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình các cấp Việc thành lập, hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia - Cấp tỉnh: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2125/QĐ-UBND ngày 06/9/2021 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hưng Yên. Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hưng Yên ban hành các Quyết định: số 01/QĐ-BCĐ ngày 23/02/2022 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hưng Yên (gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững); số 04/QĐ-BCĐ ngày 03/10/2022 về việc phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025; theo đó, tỉnh Hưng Yên đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo và các sở, ngành liên quan để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Hàng năm, Ban Chỉ đạo ban hành Chương trình công tác năm nhằm triển khai cụ thể các nhiệm vụ đề ra. Đối với công tác giảm nghèo, để tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hưng Yên quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hưng Yên đã thành lập Tổ giúp việc về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh . - Cấp huyện: UBND cấp huyện thành lập Ban Chỉ đạo việc làm và giảm nghèo cấp huyện. Ban Chỉ đạo giúp UBND cấp huyện quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện công tác việc làm và giảm nghèo, bao gồm cả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. - Cấp xã: UBND cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp xã. Ban Chỉ đạo giúp UBND cấp xã quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo, bao gồm cả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. b) Công tác phối hợp trong tổ chức thực hiện Chương trình Các sở, ngành, địa phương đã chủ động, phối hợp thực hiện triển khai các nội dung về giáo dục nghề nghiệp, giảm nghèo và bình đẳng giới theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ quản thực hiện tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định. Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng và ban hành Chương trình phối hợp số 01/CTPH-UBMTTQ-SLĐTBXH ngày 16/3/2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. 3. Kết quả triển khai công tác lập kế hoạch, phân bổ, sử dụng vốn ngân sách Trung ương và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình Đối với lĩnh vực giảm nghèo của ngành Lao động- Thương binh và Xã hội phụ trách không được Trung ương phân bổ nguồn vốn triển khai, thực hiện. Thực hiện Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, dự kiến nguồn vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh là: Vốn ngân sách tỉnh: 11,947 tỷ đồng. Vốn ngân sách huyện, xã: 52,037 tỷ đồng, Vốn huy động cộng đồng: 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 12/2024, UBND tỉnh chưa bố trí nguồn lực để thực hiện. Giai đoạn 2021-2024: ngân sách địa phương bố trí kinh phí từ ngân sách chi sự nghiệp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện triển khai thực hiện một số nội dung về truyền thông về giảm nghèo đa chiều; nâng cao năng lực cho cán bộ, rà soát viên thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2021-2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương không được phân bổ kinh phí nguồn Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI 1. Về lĩnh vực giảm nghèo Giai đoạn 2021-2024, bên cạnh việc triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách giảm nghèo thường xuyên (hỗ trợ vay vốn, giáo dục, y tế, tiền điện,..), tỉnh Hưng Yên đã quan tâm ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội đặc thù của tỉnh hướng tới người nghèo, đối tượng yếu thế, giúp họ cải thiện cuộc sống, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như: hỗ trợ nhà ở, chi phí hỏa táng, trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo với mức hưởng trợ cấp xã hội hàng cao hơn mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 do Chính phủ quy định... qua đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đã đề ra. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,44% (giảm 2,11% điểm phần trăm so với cuối năm 2021, hoàn thành trước 02 năm mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020- 2025 và trước 01 năm mục tiêu tại Nghị quyết số 41-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra). Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 0,77% (giảm 1,79% điểm phần trăm so với cuối năm 2021). Theo tổng hợp kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của các địa phương, hộ nghèo không có khả năng lao động chiếm tỷ lệ 57,75%; hộ cận nghèo không có khả năng lao động chiếm tỷ lệ 45,13%, đưa tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh năm 2024 (trừ số hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều không có khả năng lao động) còn 0,61%, theo đó 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 100% các xã trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều (trừ số hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều không có khả năng lao động) đạt dưới 1%. 2. Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp Giai đoạn 2021-2024, đã tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cụ thể: Toàn tỉnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 230.393 người trong đó: trình độ cao đẳng 6.249 người; trình độ trung cấp 14.755 người; trình độ sơ cấp, ngắn hạn và chuyển giao khoa học, công nghệ 209.389 người; Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 92%. Năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 70%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 34%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (17 cơ sở công lập, 10 cơ sở tư thục), gồm 10 trường cao đẳng, 06 trường trung cấp, 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 trường trung cấp tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư (Trường Trung cấp Giao thông vận tải Hưng Yên); các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn lại cũng đang trong lộ trình thực hiện tự chủ. Ngoài ra, có 06 trường cao đẳng, trung cấp có trụ sở tại tỉnh ngoài (02 trường cao đẳng, 04 trường trung cấp) đang thực hiện liên kết đào tạo trình độ trung cấp trên địa bàn tỉnh. Số ngành, nghề đào tạo: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 77 ngành, nghề ở các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, ngắn hạn và chuyển giao khoa học kỹ thuật; trong đó có 23 nghề trọng điểm (01 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế; 02 nghề trọng điểm cấp độ Asean; 20 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia). Trong 04 năm qua, công tác hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng thực hiện. Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Đề án sáp nhập 03 trường: Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên, Cao đẳng Y tế Hưng Yên thành Trường Cao đẳng Hưng Yên. Các cơ sở hoạt động giáo dục hoạt nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, thẩm định hoặc tiếp nhận, áp dụng các chương trình đào tạo ở 77 ngành, nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp được cấp phép đào tạo trên địa bàn tỉnh, trong đó có 23 chương trình đào tạo nghề trọng điểm (01 nghề cấp độ quốc tế; 02 nghề cấp độ Assean; 20 nghề cấp độ quốc gia). 3. Về đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống xâm hại trẻ em; bảo vệ và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn (nếu có); bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong gia đình và đời sống xã hội" - 120/139 xã, phường, thị trấn có ít nhất nữ lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã (bao gồm các chức danh sau đây: Bí thư đảng ủy xã, phó bí thư đảng ủy xã, Phó chủ tịch xã, chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân) và có quy hoạch nữ lãnh đạo chủ chốt cấp xã, khi khuyết thực hiện bố trí ngay cán bộ nữ vào các vị trí này theo quy định. - Có ít nhất 30% phụ nữ tham gia hợp tác xã, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực hoặc mô hình phát triển kinh tế nông thôn đạt hiệu qủa theo hướng tích hợp đa giá trị (kinh tế, văn hóa, môi trường). - Không có trường hợp tảo hôn, cưỡng ép kết hôn; tỷ lệ giới tính khi sinh ước khoảng 119,7 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. - Có 03 địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng đạt chuẩn hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, công tác xã hội; Trung tâm y tế xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu; Trung tâm y tế xã Đình Cao, huyện Phù Cừ. - 100% các xã đều bố trí 01 người kiêm nghiệm làm công tác bảo vệ trẻ em trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách. - 100% các xã có nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định. - 94,4% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời, phù hợp. - 100% số vụ việc trẻ em bị xâm hại được phát hiện, được trợ giúp và xử lý kịp thời. III. ĐÁNH GIÁ CHUNG 1. Thuận lợi a) Đối với công tác giảm nghèo Giai đoạn 2021-2025, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu về giảm nghèo đã đề ra và có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. b) Đối với công tác giáo dục nghề nghiệp Trong những năm qua các địa phương đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ tạo việc làm, đặc biệt là lao động trẻ, lao động là người khuyết tật, lao động nông thôn, phụ nữ,...Tổ chức nhiều lớp khuyến công, khuyến nông và đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, cơ bản từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, đồng thời phối hợp đào tạo nghề và tiếp nhận lao động sau đào tạo làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. c) Đối với đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống xâm hại trẻ em; bảo vệ và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn (nếu có); bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong gia đình và đời sống xã hội - Nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được nâng lên và có sự chuyển biến rõ rệt; trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tăng cường ở gia đình - nhà trường - xã hội, các quyền của trẻ em được bảo đảm; định kiến giới từng bước được xóa bỏ. - Các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo bằng việc ban hành hệ thống các văn bản, xây dựng cơ chế chính sách, các giải pháp về tổ chức bộ máy và bố trí nguồn lực thực hiện; 100% các xã, phường, thị trấn bố trí cộng tác viên kiêm nhiệm tham gia công tác gia đình, trẻ em. - Có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể trong công tác tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 2. Tồn tại, hạn chế a) Đối với lĩnh vực giảm nghèo Ngân sách tỉnh chưa bố trí nguồn lực để thực hiện một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. b) Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phân bố không đồng đều, nhiều cơ sở công lập (17/27 cơ sở). Tiến độ giao thực hiện tự chủ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chậm. Năng lực của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Kết quả phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp đạt tỷ lệ thấp, công tác tuyển sinh nhất là tuyển sinh trình độ cao của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn. b) Đối với lĩnh vực về đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống xâm hại trẻ em; bảo vệ và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn (nếu có); bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong gia đình và đời sống xã hội” còn một số tồn tại, hạn chế như sau: - Tình hình trẻ em bị xâm hại, bị tai nạn thương tích vẫn xảy ra. - Chế độ thông tin, báo cáo về công tác bình đẳng giới, trẻ em của một số sở, ngành, địa phương còn chậm, chưa kịp thời. - Ngân sách cho các chương trình, kế hoạch về công tác bình đẳng giới, vì sự tiên bộ của phụ nữ và chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thực hiện các mục tiêu vì trẻ em của tỉnh. III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM Thứ nhất: Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần phải được thực hiện thường xuyên nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia. Thứ hai: Trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phải phân công, phân nhiệm rõ ràng. Cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành trong việc đưa ra các giải pháp để thực hiện từng tiêu chí; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Thứ ba: Trong quá trình triển khai phải có lộ trình, giải pháp thực hiện hợp lý; tranh thủ sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương; huy động mọi nguồn lực, tận dụng mọi lợi thế sẵn có của địa phương để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ 1. Đối với Tiêu chí số 11 về Nghèo đa chiều Đề nghị nghiên cứu điều chỉnh đánh giá về tiêu chí về Nghèo đa chiều trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao đảm bảo phù hợp với chương trình mục tiêu giảm nghèo và tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030. 2. Đối với Tiêu chí số 12 về Lao động Đề xuất bỏ chỉ tiêu về “Tỷ lệ lao động qua đào tạo (áp dụng cho cả nam và nữ)” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Lý do: Để phù hợp với chỉ tiêu tại Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. 3. Đối với nội dung 5 Tiêu chí số 18 về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật: “Đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống xâm hại trẻ em; bảo vệ và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn (nếu có); bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong gia đình và đời sống xã hội” Đề nghị bổ sung thêm tiêu chí đánh giá về xây dựng xã phù hợp với trẻ em trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. BBT Cổng TTĐT Sở
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng thăm, tặng quà Trường Phục hồi chức năng và dạy nghề cho người khuyết tật Tiên Lữ
Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 536/2024/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác xã hội với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí