Lãnh đạo Bộ LĐTBXH làm việc cùng Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ

Chiều ngày 04/5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Phó Tổ trưởng Thường trực Tổ công tác Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ. Buổi làm việc nhằm mục đích thúc đẩy tiến độ triển khai Đề án 06 và định hướng một số nhiệm vụ tập trung thời gian tới trong toàn ngành lao động, thương binh và xã hội.

Cùng tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, Đề án 06 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng và hữu ích đối với người dân, được chứng minh thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Để tập trung thực hiện Đề án 06, Bộ LĐTBXH đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện trong các đơn vị thuộc Bộ như: Nghị quyết chuyên đề, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ về chuyển đổi số, ...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng chia sẻ: “Thời gian qua, đại dịch COVID-19 là một bài thử nghiệm, bài học kinh nghiệm rất quan trọng với các cơ quan quản lý nhà nước. Nhờ có CSDLQG về dân cư đã giúp Bộ LĐTBXH xác định chính xác hơn người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, … cần được giúp đỡ để có thể hỗ trợ kịp thời”.
Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu một số nhiệm vụ mà ngành LĐTBXH cần triển khai thời gian tới như: hoàn thiện chỉnh sửa các thông tư liên quan; hoàn thành quy trình về khai sinh - khai tử theo đúng tiến độ; xây dựng Cơ sở dữ liệu theo Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ; … “Với tinh thần không chờ việc này xong mới làm việc khác mà phải làm đồng bộ, nhất quán và phải đi trước, các đơn vị liên quan phải sớm hoàn thiện kế hoạch, phân công nhiệm vụ tới từng cá nhân, cán bộ, xác định cụ thể cách làm, thời hạn hoàn thành. Chúng ta không thể thất hứa với người dân.” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trong việc chuyển đổi từ làm thủ công sang ứng dụng công nghệ để người dân và xã hội được sử dụng, vai trò của Bộ LĐTBXH mang ý nghĩa rất quan trọng. Thực tế, nhiều thủ tục, quy trình nếu Bộ LĐTBXH không chuyển đổi thì toàn bộ hệ thống sẽ không hoạt động được.
“Dữ liệu của Bộ LĐTBXH rất có ý nghĩa với cả xã hội cũng như toàn bộ Đề án 06 của Chính phủ. Trong bối cảnh xã hội khó khăn, thủ tục đơn giản để người dân, người yếu thế dễ dàng tiếp cận là điều rất có ý nghĩa, đã được chứng minh qua thời gian COVID-19”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh vai trò của Bộ LĐTBXH xong Đề án 06 của Chính phủ.
Báo cáo kết quả triển khai Đề án 06, Giám đốc Trung tâm Thông tin Đỗ Chí Dũng, cho biết Bộ LĐTBXH đang đẩy mạnh xây dựng các cơ sở dữ liệu của ngành, triển khai thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối cơ sở dữ liệu về trẻ em, bảo trợ xã hội và giảm nghèo, lao động, việc làm với CSDLQG về dân cư.
Hệ thống dịch vụ công đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Cục Bảo trợ xã hội hiện nay đã tiếp nhận hồ sơ từ dịch vụ công liên thông khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ mai táng phí.
Phần mềm dịch vụ công trực tuyến hiện đã thí điểm tại 3 địa phương là Thành phố Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa và đã kết nối tới hệ thống xử lý đối tượng bảo trợ xã hội của trên 30 tỉnh/thành phố. Đến nay, hệ thống đã xử lý hơn 1.695 hồ sơ đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp mai táng phí.
Đối với dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực người có công, phần mềm dịch vụ công liên thông đối với lĩnh vực người có công cài đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ LĐTBXH đã hoàn thành việc đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng, đã thực hiện kết nối chính thức với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Về kết quả kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với trẻ em, đến nay, cơ quan chức năng đã hoàn tất việc bổ sung mã định danh cho gần 16,2 triệu cơ sở dữ liệu trẻ em, thực hiện xong việc làm giàu gần 5 triệu dữ liệu trẻ em đối với CSDLQG về dân cư.
Liên quan đến công tác triển khai Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Đến nay đã có 61/63 tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch, văn bản giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan trên địa bàn để triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, trong đó có 10 tỉnh/thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai năm 2023.
Theo số liệu tổng hợp, có 61/63 tỉnh triển khai chi trả trợ cấp hàng tháng, đạt gần 100% đối tượng bảo trợ xã hội; có 56/63 tỉnh triển khai chi trả trợ cấp hàng tháng qua tổ chức dịch vụ chi trả VNPost, đạt tỷ lệ gần 64% đối tượng người có công hưởng trợ cấp hàng tháng.
Đồng thời các địa phương đã triển khai việc thu thập thông tin tài khoản của gần 400 ngàn người thuộc đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội. Số đối tượng đã nhận trợ cấp qua tài khoản đạt gần 70.000 người...
http://www.molisa.gov.vn/

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
75 người đang online