17/06/2022 | lượt xem: 4 Phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu. Đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Theo đánh giá của ngành chức năng, hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu kết nối, sử dụng dữ liệu của chính quyền, người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế luôn đòi hỏi về tiêu chuẩn kết nối, bảo đảm dòng chảy dữ liệu liên tục, thông suốt, tốc độ cao giữa các thực thể trong nền kinh tế số, xã hội số. Do vậy, phát triển hạ tầng số chính là đầu tư công nghệ mới, nâng cấp hạ tầng viễn thông hiện tại. Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông đang triển khai ứng dụng công nghệ thông minh mới (ảo hóa) cho hạ tầng cáp quang để đáp ứng băng thông cho phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời triển khai công nghệ mới cho trung tâm dữ liệu để bảo đảm chất lượng dịch vụ trên hạ tầng viễn thông, đáp ứng được các yêu cầu trong tương lai về chuyển đổi số. Bằng nguồn lực và thế mạnh công nghệ, VNPT Hưng Yên đang tích cực xây dựng nền tảng hạ tầng số, hệ sinh thái số phong phú đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chính quyền điện tử. VNPT Hưng Yên quang hóa 100% hạ tầng đường truyền; 3G, 4G phủ sóng tới tất cả khu vực trên địa bàn tỉnh. Định kỳ, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng sóng viễn thông, độ bao phủ mạng lưới cáp quang để có phương án đầu tư nhằm bảo đảm thông tin không bị gián đoạn, chất lượng cung cấp dịch vụ tốt. Hàng năm, VNPT Hưng Yên đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo trung bình 30 trạm thu phát sóng thông tin di động; 5% đường dây cáp quang nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng số của chính quyền và người dân. Hạ tầng ảo hóa phục vụ các nhu cầu sử dụng hạ tầng của cơ quan hành chính, doanh nghiệp được đơn vị ưu tiên phát triển, sẵn sàng đáp ứng khi có yêu cầu. Hạ tầng mạng truyền số liệu, máy chủ lưu trữ dữ liệu, hệ thống bảo mật thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai các hệ thống chính quyền điện tử, tạo tiền đề chuyển đổi số các lĩnh vực kinh tế, xã hội và đô thị thông minh của tỉnh. Đại diện VNPT Hưng Yên cho biết: Đơn vị triển khai và bảo đảm hạ tầng mạng viễn thông tối ưu, an toàn, thông minh làm nền tảng phát triển internet phục vụ nền kinh tế số; tạo hệ sinh thái cho phát triển dịch vụ và công nghệ. Đơn vị luôn quan tâm phát triển hạ tầng số để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, xử lý dữ liệu và bảo đảm an toàn thông tin. Song song với hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin cũng được quan tâm đầu tư, xây dựng từ tỉnh đến xã. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính của tỉnh có mạng nội bộ (LAN), kết nối internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tại 100% các cơ quan, đơn vị hành chính với 200 điểm kết nối. Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt 80%; tỷ lệ máy tính có kết nối internet băng thông rộng đạt 100%... Trên cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin được triển khai kết nối liên thông từ tỉnh đến xã và với Trung ương cùng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp giảm thời gian xử lý công việc và tiết kiệm chi phí. Các hệ thống thông tin được triển khai gồm: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên và các trang thông tin của sở, ban, ngành, địa phương; Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa tỉnh được triển khai và đưa vào sử dụng theo mô hình tập trung qua một cổng duy nhất; hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; phần mềm quản lý văn bản và điều hành; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến… Đến nay, Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa tỉnh được triển khai, kết nối liên thông từ tỉnh đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố và 161 xã, phường, thị trấn và kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trên 80% bộ hồ sơ thủ tục hành chính được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa tỉnh đạt mức độ 3, mức độ 4. Để chuyển đổi số thành công thì hạ tầng số phải đi trước một bước. Xác định yếu tố hạ tầng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả và sự bền vững của chuyển đổi số nên trong Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh yêu cầu tập trung phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu. Đồng chí Bùi Văn Sỹ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu với tỉnh huy động nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng số tạo nền tảng cho chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực. Mục tiêu đến năm 2025, bảo đảm phủ sóng 4G tại mọi địa điểm của tỉnh; chuyển đổi toàn bộ các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh sang sử dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (Ipv6); xây dựng, hoàn thiện hạ tầng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) của tỉnh; duy trì hiệu quả hoạt động của Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh; triển khai hệ thống wifi công cộng thông minh nhằm phục vụ nhu cầu truy cập thông tin qua mạng internet thuận lợi cho nhà đầu tư, khách du lịch và Nhân dân; phát triển hạ tầng internet vạn vật (IoT), xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu để chuyển đổi thành hạ tầng số… https://baohungyen.vn/
Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc
Triển khai một số hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên và Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10.10.2024
Chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu