Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Thành tựu sau 25 năm tái lập tỉnh

Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên được thành lập theo Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 03/01/1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trên cơ sở, chức năng, nhiệm vụ được giao, trong 25 năm qua, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội qua nhiều thế hệ đã đoàn kết, nỗ lực tham mưu Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội với những thành tựu đạt được như sau:

1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Sau tái lập, toàn tỉnh không có cơ sở dạy nghề mà chỉ có đơn vị tham gia dạy nghề do Ngành Giáo dục quản lý. Đến năm 2014, đã hình thành mạng lưới với 41 cơ sở dạy nghề và tham gia dạy nghề, tổ chức đào tạo trên 50 ngành nghề. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy hoạch lại, hiện nay có 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (23 cơ sở công lập, 11 cơ sở tư thục); trong đó có 11 trường cao đẳng, 06 trường trung cấp. Quy mô đào tạo khoảng 70 nghìn người/năm ở 03 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và ngắn hạn) với gần 70 ngành, nghề, trong đó có 23 nghề trọng điểm.

Với đặc điểm tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày 26/10/2011, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về Chương trình dạy nghề, việc làm và giảm nghèo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực của địa phương, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2011-2020, công tác đào tạo nghề từng bước chuyển từ phương thức đào tạo theo kế hoạch sang đào tạo theo nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng lao động và đơn đặt hàng của doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn này toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo cho 460.355 lượt người; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 90%.

Tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu lao động trên thị trường lao động thông qua các sàn giao dịch, phiên giao dịch việc làm, duy trì và phát triển sàn việc làm trực tuyến (địa chỉ: vieclamhungyen.vn). Các phiên giao dịch có sự phối hợp, tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, các trường chuyên nghiệp, tổ chức tại nhiều địa phương trong tỉnh, phù hợp với nhiều đối tượng lao động, tạo cơ hội cho lao động tìm được việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Trung bình mỗi năm giải quyết việc làm mới cho trên 20 nghìn lao động. Tính riêng giai đoạn 2011-2020 toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 221.900 lao động, trung bình 22.190 lao động/năm. Lực lượng lao động có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng: Số lao động tham gia hoạt động các ngành kinh tế năm 1997 có 535.808 người; năm 2001 có 549.604 người; năm 2011 có 700.501 người; năm 2020 có 705.199 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 43% năm 2011 lên 65% năm 2020. Ước tính năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 26%.

2. Thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng

Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận trên 146 nghìn người có công (riêng giai đoạn 2016- 2020 đã công nhận thêm 2.588 người có công), trong đó: 24.875 liệt sĩ; 2.282 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; 738 Lão thành cách mạng; 528 cán bộ tiền khởi nghĩa; 15.229 thương binh; 8.365 bệnh binh; 5.208 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 1.860 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Hơn 87 nghìn người được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến.

Các chính sách đối với người có công luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, theo quy định, được theo dõi trên Phần mềm chi trả trợ cấp trong hệ thống Ngành Lao động Thương binh và Xã hội. Tính đến tháng 6/2021, tỉnh đang chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 23.102 người (14.242 người có công, 8.860 thân nhân của người có công) với tổng kinh phí khoảng 43,5 tỷ đồng/tháng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 164.751 người có công và thân nhân người có công; trung bình mỗi năm điều dưỡng cho khoảng 10 nghìn người có công; thực hiện hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho trên 4.600 hộ gia đình người có công.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được phát triển rộng khắp tại khắp các địa phương, huy động được sức mạnh tổng hợp trong xã hội. Ngay khi tỉnh tái lập, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ, tỉnh đã đầu tư xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ của tỉnh; xây mới nhiêu nhà bia ghi tên liệt sỹ; sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ; xây lại vỏ mộ liệt sỹ đã bị hư hỏng, xuống cấp; Ban Chỉ đạo tiếp nhận hài cốt của tỉnh hằng năm đều tổ chức tiếp nhận hài cốt liệt sỹ. Các công trình ghi công liệt sỹ được tỉnh và các địa phương chăm lo chu đáo, đảm bảo tôn nghiêm, góp phần tôn vinh những người đã hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời giáo dục truyền thống ở địa phương. Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được xây dựng ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), với sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân, là nguồn lực xã hội hóa quan trọng trong phong trào Đền ơn đáp nghĩa của các địa phương.

3. Thực hiện giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội

Khi mới tái lập tỉnh, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, những chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, công tác giảm nghèo chuyển hướng tiếp cận đa chiều, huy động được các nguồn lực xã hội, đời sống dân cư đã được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2006 là 556 nghìn đồng; năm 2015 là 2.352 nghìn đồng; năm 2020 là 4.043 nghìn đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh: năm 1997 là 8% (theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 1997-2000); giai đoạn 2001-2005, giảm từ 6,2% xuống còn 3% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2001-2005); giai đoạn 2006-2010, giảm từ 12,3% năm 2006 xuống còn 3% năm 2010 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010); giai đoạn 2011-2015, giảm từ 8,42% năm 2010 xuống còn khoảng 2,69% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015); giai đoạn 2016-2020, giảm từ giảm từ 4,65% năm 2016 xuống còn 1,48% năm 2020 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015).

Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 2.093 hộ nghèo từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đúng, đủ, kịp thời với nhiều cơ chế, chính sách riêng của tỉnh. Trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 62 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Triển khai đồng bộ các chương trình quốc gia về bình đẳng giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội có nhiều tiến bộ.

Những kết quả đạt được của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đóng góp quan trọng, có nghĩa ý vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh; được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ghi nhận, nhiều tập thể, cá nhân đã được khen thưởng, vinh danh.

Đặng Văn Diên - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở