07/02/2023 | lượt xem: 5 Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp - Bài cuối: Song hành nhiều giải pháp Chuyển đối số trong giáo dục nghề nghiệp là quá trình tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tận dụng các công nghệ số để thay đổi cách thức quản lý, giảng dạy, cung cấp kiến thức, trang bị kỹ năng cho nguồn nhân lực trên nền tảng số. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả hoạt động chuyển đổi số cần song hành nhiều giải pháp. Phát huy tinh thần chủ động của cơ sở đào tạo Tiến sỹ Phạm Hùng Dũng, Trường Cao đẳng Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, sự chủ động đầu tiên cần đến từ đội ngũ giảng viên. Giảng viên là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Đây là đội ngũ trực tiếp giảng dạy, do đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tích cực tổ chức các khóa bồi dưỡng, khuyến khích, tạo động lực cho giảng viên học hỏi, tích lũy kỹ năng sử dụng công nghệ. Giảng viên cần trang bị cho mình những kỹ năng mới để tổ chức hoạt động giảng dạy, duy trì sự chú tâm của người học, tổ chức các hoạt động dạy học cho người học trên không gian ảo được hiệu quả. Sinh viên cần nâng cao tính chủ động, sáng tạo và hứng thú học tập, tìm hiểu cập nhật thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo Tiến sỹ Phạm Hùng Dũng, cùng với đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, để hoạt động giáo dục hiệu quả còn cần có hạ tầng công nghệ, trang thiết bị cần thiết cho cả người học, người dạy và người tham gia quản lý. Không chỉ là các thiết bị phần cứng như hệ thống máy móc, đường truyền internet mà còn là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng để toàn bộ mọi hoạt động giáo dục có thể diễn ra một cách thuận lợi trên các nền tảng và ứng dụng đó. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh phát triển học liệu điện tử để đảm bảo người học được tiếp cận đầy đủ nguồn học liệu khi đào tạo trực tuyến. Tiến sỹ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP Hồ Chí Minh cho hay là một trong những trường cao đẳng đạt chuẩn chất lượng cao, cấp quốc gia, trường tập trung đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ cho các ngành nghề sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp là nguồn lao động có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp, có khả năng sáng tạo, nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Nắm bắt kịp thời chủ trương của Chính phủ về xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển hệ tri thức Việt số hóa”, nhà trường đẩy mạnh xây dựng mô hình nhà trường cũng như đội ngũ giảng viên thông minh, chuyên nghiệp. Trường chú trọng phát triển chương trình đào tạo thông minh và hiện đại, giúp hình thành các thế hệ sinh viên ra trường có đầy đủ kiến thức, kỹ năng số, thái độ đáp ứng được yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số. Nhà trường đã sớm trang bị tài khoản bản quyền Zoom cho các phòng học trực tuyến với đầy đủ thiết bị phục vụ công tác giảng dạy trực tuyến như máy tính cấu hình mạnh đường truyền tốc độ cao mạng cáp quang, bảng tương tác, bảng thông minh dùng để thuyết minh, thuyết trình cho sinh viên, hệ thống camera dùng để thu âm, ghi hình và tài khoản zoom bản quyền để trong quá trình giảng dạy được liên tục, không bị hạn chế về thời gian, cộng với phòng livestream và các tài khoản Google Meet bản quyền. Cùng với đó, trường tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến” với hình thức phát trực tiếp (livestream) bài giảng của các khoa bằng công cụ hỗ trợ giảng dạy trực tuyến Google Meet và phát trên kênh Youtube: LyTuTrong HCMC, tạo thuận lợi để giáo viên theo dõi, chia sẻ kinh nghiệm. Thạc sỹ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ Quốc tế Lialama 2 đóng tại tỉnh Đồng Nai chia sẻ thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, trường kịp thời cập nhật các công nghệ mới, hiện đại và đưa vào chương trình giảng dạy. Chương trình giảng dạy được điều chỉnh, bổ sung và tích hợp những yếu tố mới liên quan đến tự động hóa, internet kết nối vạn vật. Trường đã có phòng thực hành với các thiết bị hiện đại. Phòng thực hành được trang bị các thiết bị mô phạm về công nghệ truyền động và điều khiển cùng nhiều tài liệu, sổ tay hướng dẫn, phần mềm đào tạo, học trực tuyến... Sinh viên của trường được tiếp cận và sử dụng các thiết bị huấn luyện và phần mềm đạt chuẩn công nghiệp. Trường cũng áp dụng nhiều mô hình đào tạo hiện đại trên thế giới như Anh, Australia, Đức, cung ứng nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động cả trong nước và quốc tế. Tăng cường gắn kết nhà trường - doanh nghiệp Đề cập về sự cần thiết cũng như lợi ích mà nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số mang lại, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ sẵn sàng hợp tác, gắn kết với cơ sở đào tạo để phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực. Theo đại diện các doanh nghiệp, lợi ích dễ nhận thấy nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên, giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp. Chuyển đổi số còn góp phần gia tăng năng suất lao động và tác động tới tăng trưởng năng suất lao động. Trong khi đó, đối với người học, thực tập, học hỏi với những công nhân kỹ thuật, kỹ sư có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, với phương tiện, thiết bị hiện đại sẽ giúp người học nhanh chóng hình thành những kỹ năng cần thiết phù hợp với yêu cầu của sản xuất, rèn luyện tác phong công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp, có nhiều cơ hội để tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp; nếu có việc làm, sớm thích ứng với công việc, không cần phải bồi dưỡng hoặc đào tạo lại. Từ góc độ người sử dụng lao động, từng tham gia và thẩm định chương trình đào tạo ngành logistics ở nhiều trường, bà Võ Thị Phương Lan, Trưởng ban Đào tạo (Hiệp hội Logistics Việt Nam) khẳng định, logistics là một ngành kinh doanh dịch vụ mang tính toàn cầu, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc mà nhân lực trong lĩnh vực này cần nắm bắt và vào cuộc thật nhanh, nếu không sẽ bị tụt hậu và mất lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, để đào tạo gắn với chuyển đổi số hiệu quả, nhà trường và doanh nghiệp cần phối hợp tích cực hơn. Các trường cần khảo sát doanh nghiệp hiện đang sử dụng công nghệ gì, cần kỹ năng gì trong sản xuất kinh doanh để đưa vào đào tạo cho người học được phù hợp. Tiến sỹ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, TP Hồ Chí Minh thông tin, để sau khi hoàn thành khoá học, sinh viên có thể tham gia ngay vào công việc tại doanh nghiệp tuyển dụng, trường luôn chú trọng đào tạo về kỹ năng thực hành ứng dụng, trong đó có các kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số cho sinh viên. Chương trình đào tạo được tổ chức theo phương thức tích lũy tín chỉ. Sinh viên đều được nhà trường bố trí đi thực tập doanh nghiệp, tăng cường sắp xếp thực tập theo thời gian do doanh nghiệp đề xuất. Trường phối hợp với doanh nghiệp trong việc biên soạn chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo. Chuyên gia đến từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của sinh viên thông qua các hình thức đào tạo song hành, đào tạo kép, đào tạo theo địa chỉ, tổ chức hội thảo, tham quan thực tế tại doanh nghiệp cho cả giáo viên và sinh viên. Hàng năm, 100% giáo viên đi thực tế tại doanh nghiệp nhằm tiếp xúc với thiết bị công nghệ mới và phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Nhà trường chủ động liên hệ, làm việc với hơn 1000 doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp và đơn vị sử dụng lao để thu thập thông tin, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, trong hơn 3 năm gần đây, số sinh viên của trường có việc làm phù hợp sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp đạt trên 90%. Thạc sỹ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ Quốc tế Lilama 2 cho biết, trường thường xuyên hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, cập nhật các công nghệ mới, yêu cầu của doanh nghiệp. Trường đã ký kết hợp tác với với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên kỹ thuật máy bay-VAECO trong đào tạo nhân lực nghề kỹ thuật hàng không, cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Trường sẽ tiếp tục hợp tác với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật hàng không chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ nhu cầu các cảng hàng không trong nước và khu vực. Các chương trình đào tạo của trường tiếp tục được biên soạn theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, phục vụ phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Thanh Trà (TTXVN)
Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc
Triển khai một số hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên và Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10.10.2024
Chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu