Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều thư, bài viết, bài nói thể hiện tình cảm sâu sắc, tri ân những người đã hy sinh quên mình vì Tổ quốc và nhắc nhở mọi người biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thực hiện Chỉ thị của Người, ngày 27.7.1947 - Ngày Thương binh - Liệt sỹ lần đầu tiên được tổ chức tại chiến khu Việt Bắc. Hàng năm vào dịp này, Người đều có thư và quà gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ. 


Ngày Thương binh - Liệt sỹ hàng năm là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Quan tâm, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa là việc làm thiết thực quán triệt và thực hiện Chỉ thị của Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng tặng quà đối tượng chính sách tại huyện Khoái Châu (Ảnh: Tư liệu)

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng tặng quà đối tượng chính sách tại huyện Khoái Châu (Ảnh: Tư liệu)

 

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, hơn 70 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Tổ chức thăm, viếng các nghĩa trang liệt sỹ, dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ; tặng quà người có công dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sỹ; chăm lo đời sống người có công, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nâng cấp, tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ; cải thiện nhà ở đối với người có công; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với cách mạng…  


Đến nay, tỉnh ta đã xác định khoảng 146 nghìn người có công với cách mạng, trong đó có 24.870 liệt sỹ, 2.227 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 737 lão thành cách mạng, 522 cán bộ tiền khởi nghĩa, 15.204 thương binh, 8.364 bệnh binh, 5.170 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 1.860 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 87 nghìn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến. 


Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm duy trì, có sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng, đồng thời đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 25 tỷ đồng giai đoạn 2015 - 2020, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và gia đình người có công. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh chi trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 24.389 người có công và thân nhân người có công; số hộ người có công với cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 3.374 hộ với tổng kinh phí 96.048 tỷ đồng. Năm 2019 - 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quyết tâm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xóa nhà ở xuống cấp cho người có công với kết quả: Năm 2019 hỗ trợ xây mới nhà ở cho 95 hộ người có công thuộc huyện Ân Thi và huyện Phù Cừ với tổng kinh phí 7,6 tỷ đồng; năm 2020, hỗ trợ xây mới nhà ở cho 610 hộ người có công với số tiền 80 triệu đồng/hộ, với tổng kinh phí 48,8 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa.


Vào các dịp lễ, tết, ngày 27.7 hằng năm, tỉnh đã trân trọng gửi quà tặng của Chủ tịch nước; tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà của tỉnh đến các gia đình chính sách; các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và cá nhân tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Đến nay, trên địa bàn tỉnh 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ; 99,97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình nơi cư trú, phấn đấu năm 2020 đạt 100% gia đình.


Cùng với việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân, các cấp còn đẩy mạnh công tác tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sỹ, đền thờ liệt sỹ, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sỹ. Hàng năm, tỉnh duy trì tổ chức đoàn cán bộ đi thăm, viếng các nghĩa trang liệt sỹ, điểm di tích ghi dấu sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ, thanh niên xung phong và các tầng lớp nhân dân như: Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt - Lào, Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Khu Tưởng niệm liệt sỹ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn…


Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, phát huy kết quả công tác đền ơn đáp nghĩa những năm qua, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và mọi người, mọi nhà trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện thật tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo. Chú trọng nêu gương "người tốt, việc tốt", tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự lực, tự cường của thương binh, bệnh binh, người có công, tham gia công tác người có công, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhất là các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; chăm lo, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh…


Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam, là tấm gương để mỗi chúng ta nỗ lực hơn nữa góp phần vào sự nghiệp đổi mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Với tinh thần ấy, tôi đề nghị các cấp, các ngành các cơ quan, tổ chức, đơn vị và mỗi cá nhân cần tổ chức kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ bảo đảm thiết thực, phù hợp gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Nguồn: baohungyen.vn

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
91 người đang online