Tình hình thực hiện công tác pháp chế 6 tháng đầu năm 2021

6 tháng đầu năm 2021, công tác pháp chế được lãnh đạo Sở quan tâm chỉ đạo. Công tác xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn được thực hiện kịp thời, Sở  Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các văn bản: số 756/KH-SLĐTBXH ngày 09/3/2021 về thực hiện công tác pháp chế năm 2021; số 507/KH-SLĐTBXH ngày 05/02/2021 về phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021; Số 508/KH-SLĐTBXH ngày 05/2/2021 theo dõi tình hình thi hành pháp luật; số 886/KH-SLĐTBXH ngày 19/3/2021 về triển khai các hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; Kế hoạch số 1695/KH-SLĐTBXH ngày 12/5/2021 về thực hiện Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở Điều trị nghiện ma túy, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội; Kế hoạch số 1777/KH-SLĐTBXH ngày 17/5/2021 về triển khai Đề án Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động và sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2021.cùng nhiều văn bản khác nhằm triển khai, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực Lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh.

 Công tác phổ biến giáo dục pháp luật

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được tăng cường, từng bước đổi mới đa dạng về hình thức, đảm bảo thông tin pháp luật về các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội được triển khai kịp thời, chính xác đến với cán bộ, công chức trong ngành, doanh nghiệp và người dân, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng thuộc ngành quản lý. Trong đó, trọng tâm một số hoạt động sau:

Thường xuyên quán triệt, phổ biến đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến từng lĩnh vực chuyên môn mới được thông qua năm 2020 và năm 2021 trên Cổng thông tin điện tử Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để người dân, doanh nghiệp dễ dàng truy cập, tìm hiểu và nghiên cứu, thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm trao đổi chuyên môn nghiệp đối với cán bộ, công chức các sở, ngành liên quan nhất là trong hệ thống. Tính đến ngày 10/5/2021, Sở đã tổ chức 14 cuộc tập huấn và tọa đàm với 2418 lượt người tham dự nội dung chủ yếu tập trung lĩnh vực Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bình đẳng giới, Bảo trợ xã hội và Phòng chống tệ nạn xã hội.

Tổ chức 05 Hội thi “Học sinh với công tác Phòng chống tệ nạn xã hội” tại các trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông trong tỉnh với 4.300 giáo viên, học sinh tham gia nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã và thành phố lắp đặt 04 pano lớn và treo 80 băng rôn tuyên truyền về chính sách Bảo trợ xã hội, Bảo vệ chăm sóc trẻ em; Bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ;

Xây dựng, in và phát hành 1.535 cuốn sách có nội dung về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; 12.450 tờ rời có nội bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; mua và cấp 400 cuốn sách “Giáo dục an toàn, kỹ năng thoát hiểm, phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh”.

Hưởng ứng cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân” năm 2021 do Bộ Tư pháp tổ chức, Sở có văn bản triển khai đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành tham gia hưởng ửng cuộc thi.

Phối hợp với Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về chính sách pháp luật về các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

 Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định số 486/QĐ-UBND ngày 29/01/2021 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt Phương án sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, biên chế công chức, số lượng người làm việc của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện quy trình trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 03 đơn vị sự nghiệp (dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2021).

Trên cơ sở các quy định mới của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức trợ cấp, hỗ trợ cho một số đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (dự kiến trình tại Kỳ họp thứ nhất, cuối tháng 6/2021).

Công tác theo dõi thi hành pháp luật

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên các kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội tạm hoãn. Thanh tra Sở đã tổ chức 02 cuộc thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tại đơn vị sự nghiệp thuộc Sở.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát việc thực hiện kiến nghị tại Kết luận thanh tra số 558/KL-TTr ngày 20/11/2019 của Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Kết luật thanh tra số 1963/KLTT-SLĐTBXH ngày 04/7/2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người người có công với cách mạng.

 Công tác phối hợp giải quyết nuôi con nuôi

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 02 cơ sở trợ giúp xã hội hiện đang nuôi dưỡng 18 trẻ em (Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội: 05 trẻ em; Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu: 13 trẻ em); yêu cầu các cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá nhu cầu và lập danh sách trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi theo đúng quy định của pháp luật.

Đến thời điểm hiện tại, không có trẻ em có nhu cầu chuyển hình thức chăm sóc thay thế phù hợp, trong đó có việc giải quyết nuôi con nuôi.

Công tác cải cách hành chính

Căn cứ các Quyết đinh của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: số 338/QĐ-LĐTBXH ngày 17/3/2021 về việc công bố các thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực Lao động tiền lương; số 526/ QĐ-LĐTBXH ngày 06/5/2021 về việc công bố các thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung lĩnh vực Việc làm; số 572/ QĐ-LĐTBXH ngày 17/5/2021 về việc công bố các thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung và thay thế  lĩnh vực Việc làm (hoạt động dịch vụ việc làm), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành rà soát, lập danh mục, xây dựng nội dung trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Sở.

Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang thực hiện 31 thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Trong đó, có 01 thủ tục hành chính đã được cắt giảm về thời gian thực hiện.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội và việc làm, an toàn lao động. Trong 6 tháng đầu năm, Sở đã thực hiện tiếp nhận 445 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến có liên quan đến doanh nghiệp. Qua đó, góp phần giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc được thường xuyên thực hiện thông qua mạng nội bộ (mạng LAN) và các văn bản chỉ đạo điều hành trên cổng thông tin điện tử của Sở. Thực hiện kiểm tra thường xuyên kết quả cập nhật, xử lý thông tin theo yêu cầu của Giám đốc Sở.

Ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn kỹ năng sử dụng các phần mềm ứng dụng CNTT tới cán bộ, công chức, viên chức. Thường xuyên nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tại đơn vị, sử dụng có hiệu quả phần mềm giao nhiệm vụ của Ủy ban nhân nhân tỉnh, của Sở; các phần mềm phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Công tác kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của ngành, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới theo thẩm quyền và xử lý các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Ban biên tập CTTĐT

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
24 người đang online