Toạ đàm 'Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân'

Ngày 26/3, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Toạ đàm "Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân" với sự tham dự của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Lãnh đạo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Kho bạc Nhà nước; Lãnh đạo Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia (NAPAS) nhằm trao đổi, thảo luận về những biện pháp đẩy mạnh số hóa chi trả an sinh xã hội trong thời gian tới.

Thời gian qua, các bộ, ngành có sự phối hợp hết sức chặt chẽ, hiệu quả, triển khai đồng bộ các giải pháp số hóa trong thanh toán chi trả chính sách an sinh xã hội cho người dân thông qua ứng dụng VneID, qua đó đã mang lại những lợi ích hết sức thiết thực, cụ thể, tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc đối với người dân, xã hội, đặc biệt là những người được thụ hưởng trực tiếp các chính sách về an sinh xã hội. 

Toạ đàm: "Số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân" sẽ đem lại góc nhìn khái quát, toàn diện về hoạt động chi trả chính sách an sinh xã hội hiện nay. Những kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa chi trả an sinh xã hội. Những tiện lợi, lợi ích, những chi phí được cắt giảm thông qua ứng dụng công nghệ số trong chi trả an sinh xã hội mà người dân, xã hội được thụ hưởng. Từ đó xác định nhiệm vụ, giải pháp đối với các bộ ngành, cơ quan hữu quan hữu quan nhằm tiếp tục đẩy mạnh số hóa chi trả an sinh xã hội trong thời gian tới?...

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm gồm:

- Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán – NHNN

- Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Chi (Kho bạc Nhà nước)

- Bà Vũ Thị Thanh Hà, Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ Thông tin - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân-Trung Tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06)

- Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS)

Bà Vũ Thị Thanh Hà, Chánh Văn phòng Trung tâm Công nghệ Thông tin, Bộ LĐTBXH

Xin bà Vũ Thị Thanh Hà chia sẻ về các phương thức chi trả an sinh xã hội hiện nay do Bộ LĐTBXH đã và đang triển khai đến người dân? Bà đánh giá như thế nào về sự tiện lợi của các phương thức này mang lại cho người dân?

Bà Vũ Thị Thanh Hà: Đối tượng chi trả an sinh xã hội thuộc ngành LĐTBXH quản lý là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1813- QĐ/TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ LĐTB&XH đã ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp với C06 để triển khai tại các địa phương, bao gồm: Rà soát, làm sạch thông tin cá nhân; tích cực tuyên truyền để các đối tượng chi trả an sinh xã hội để chủ động mở tài khoản thanh toán; hỗ trợ các cụ người cao tuổi, già yếu lập tài khoản thanh toán;... 

Chúng tôi phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản đạt tối thiểu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý. Trường hợp đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác theo quy định.

Hiện nay, hoạt động chi trả an sinh xã hội được thực hiện thông qua công chức văn hoá xã hội cấp xã từ ngày 1-10 hàng tháng tại trụ sở xã; thông qua các tổ chức dịch vụ chi trả (bao gồm các đối tượng có tài khoản thanh toán và chưa có tài khoản thanh toán; chi trả trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước cấp huyện đến trực tiếp tài khoản đối tượng thụ hưởng.

Ông Nguyễn Thế Anh (ngoài cùng bên trái), Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Chi (Kho bạc Nhà nước)

Như chia sẻ của đại diện Bộ LĐTBXH về triển khai chi trả chính sách an sinh xã hội thông qua phương thức điện tử sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới. Vậy, xin ông Nguyễn Thế Anh cho biết quy trình chi trả qua tài khoản và vai trò của các bên như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Anh: Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Kho bạc Nhà nước đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát là xây dựng Kho bạc Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả và kiện toàn bộ máy Nhà nước gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, kết nối viễn thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác và cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan Nhà nước hướng đến năm 2030 thực hiện được mục tiêu kho bạc số.

Gắn với mục tiêu tổng quát, Chiến lược đặt ra 5 mục tiêu cụ thể. Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là đến năm 2025 Kho bạc Nhà nước vận hành trên dữ liệu số, hoàn thành nền tảng kho bạc số và cơ bản toàn bộ giao dịch thu chi ngân sách Nhà nước qua hệ thống theo phương thức điện tử.

Sau 2025, Kho bạc Nhà nước sẽ tập trung nghiên cứu phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước để đến năm 2030 xây dựng được kho bạc số.

Bám sát mục tiêu, định hướng trên, trong thời gian qua, Kho bạc Nhà nước triển khai đồng bộ, tích cực rất nhiều giải pháp, đặc biệt liên quan đến công tác số hoá, điện tử hoá các giao dịch thu chi NSNN.

Về chi trả cho cá nhân vào tài khoản, hiện nay Kho bạc Nhà nước đã thực hiện việc nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến với quy trình kiểm soát thanh toán cho các cá nhân hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và qua cổng trao đổi dữ liệu của Kho bạc Nhà nước. 

Ngày 9/1/2024, Kho bạc Nhà nước thực hiện triển khai thí điểm chi trả lương cho các cá nhân qua tài khoản thông qua hệ thống dữ liệu với Kho bạc Nhà nước tại 2 địa phương là Vĩnh Phúc và Hải Phòng. Sau 3 tháng triển khai, cơ bản việc triển khai quy trình này được đánh giá rất tích cực.

Sắp tới, Kho bạc Nhà nước thực hiện quy trình chi trả an sinh xã hội tương tự như theo quy trình chi trả lương. Theo đó, Bộ LĐTBXH sẽ phối hợp với cơ quan công an để trao đổi xác thực thông tin chính xác về các đối tượng thụ hưởng để lập bảng thanh toán, sau đó cơ quan LĐTBXH sẽ lập hồ sơ đề nghị thanh toán với Kho bạc Nhà nước.

Sau khi thực hiện công tác kiểm soát xong thì kho bạc sẽ đưa dữ liệu bảng thanh toán lên cổng trao đổi dữ liệu. Quy trình này khác và tiến bộ hơn so với trước, trước đây khi các đơn vị chuyển lên dịch vụ công trực tuyến thì Kho bạc Nhà nước sẽ phải in, phục hồi bảng thanh toán và mang bảng thanh toán ra ngân hàng thương mại để thanh toán. Với quy trình này, khâu đó sẽ được số hoá và đảm bảo dữ liệu an toàn, chính xác.

Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân-Trung Tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (C06)

Được biết, Bộ Công an là đơn vị đầu mối triển khai xây dựng hệ sinh thái cung cấp nền tảng thanh toán điện tử trong các lĩnh vực công, an sinh xã hội,... thông qua ứng dụng VNeID. Vậy, ông có thể cho biết một số kết quả triển khai đã đạt được thời gian vừa qua?

Thiếu tá Đào Đình Nam: Với vai trò là đơn vị triển khai thường trực Đề án 06, sau hơn 2 năm triển khai, các bộ, ngành đã triển khai rất tích cực và đạt được những kết quả rất khả quan, qua việc triển khai số hóa hoạt động chi trả an sinh xã hội.

Thứ nhất, Đề án 06 với vai trò của Bộ Công an cùng với Bộ LĐTBXH đã tạo lập, đối soát, làm sạch toàn bộ dữ liệu về an sinh xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây chính là điều kiện quan trọng nhất để thực hiện việc chi trả đúng người, đúng đối tượng và không bị gian lận trong quá trình chi trả.

Thứ hai, C06 đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính, cùng với UBND các địa phương đã hoàn thiện tính năng an sinh xã hội nhằm xây dựng nền tảng thanh toán chi trả an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng hướng tới mục tiêu cùng với các bộ, ngành sẽ xây dựng cho tất cả công dân đều có tài khoản an sinh xã hội được xác thực với danh tính từ dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu ngày mai, người nào đó trở thành đối tượng được chi trả an sinh xã hội thì hoàn toàn có thể thụ hưởng ngay. Chúng ta có thể theo dõi quá trình, kết quả chi trả, được cập nhật liên tục. Do vậy, toàn bộ quy trình chi trả này luôn được đảm bảo thuận tiện, công khai, minh bạch, đúng người, đối tượng và ứng dụng được công nghệ và chuyển đổi số.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán – NHNN

Thưa ông Lê Anh Dũng, về phía ngành ngân hàng thì ông có thể cho biết các giải pháp triển khai của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp các giải pháp thanh toán tiện lợi cho người dân hiện nay ra sao?

Ông Lê Anh Dũng: Ngân hàng Nhà nước nói riêng và hệ thống ngân hàng thương mại thời gian qua cũng đã tin tưởng và Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu ban hành nhiều chính sách, quy định thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Và các ngân hàng đã đầu tư hệ thống và nghiên cứu, phát triển các giải pháp dịch vụ để cung cấp các dịch vụ thanh toán an toàn, tiện lợi. 

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thường xuyên nâng cấp hệ thống, tiện ích để cung ứng các nền tảng thanh toán liên thông, cho phép xử lý tức thời và vận hành 24/7 để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt có thể cho phép chi trả an sinh xã hội an toàn, tiện lợi, nhanh chóng đến người hưởng.

Một khía cạnh nữa, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, các tổ chức thanh toán đã phát triển hệ sinh thái số, cụ thể ở đây là các tài khoản thanh toán, ví điện tử, tài khoản mobile banking để đáp ứng cho người dân có nhu cầu chi trả an sinh xã hội, để tiếp nhận và sử dụng nguồn tiền nhận được.

Chúng tôi cũng quan tâm đến yếu tố bảo vệ quyền lợi khách hàng, được lồng ghép trong các quy định, trong các Thông tư, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức rủi ro trong quá trình sử dụng, giúp người dân và những đối tượng sử dụng dịch vụ an toàn, tiện lợi của ngành ngân hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS)

NAPAS là đơn vị được Ngân hành Nhà nước giao phối hợp với C06 triển khai hạ tầng thanh toán kết nối giữa các ngân hàng và các đơn vị liên quan, giúp chi trả các khoản an sinh xã hội bằng phương thức thanh toán không tiền mặt tới tài khoản ngân hàng/tài khoản mobile money đã được đăng ký của người dân. Xin ông Nguyễn Hoàng Long có thể chia sẻ về tiến độ triển khai dự án hiện nay ra sao? Thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai là gì?

Ông Nguyễn Hoàng Long: Trong triển khai hạng mục về chi trả an sinh xã hội, NAPAS là đơn vị đứng ra cung cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật để kết nối giữa hệ thống ngân hàng để chia sẻ dữ liệu và cho phép người dân khách hàng thông qua ứng dụng VNeID để đăng ký số tài khoản ngân hàng và số tài khoản mobile money dùng để nhận chi trả an sinh xã hội.

Thông qua việc đăng ký kết nối online khách hàng có thể được xác thực online và đảm bảo tính chính xác đầy đủ những thông tin về số tài khoản cũng như số tài khoản mobile money để sau này tạo điều kiện cho việc chi trả những khoản an sinh xã hội đúng đối tượng, đúng đủ.

Thứ hai, sau khi các ngân hàng thương mại nhận được thông tin và thực hiện giao dịch chi trả cho các đối tượng, NAPAS sẽ vận hành hệ thống chuyển khoản liên ngân hàng để chuyển tiền ngay đến tài khoản thanh toán đã được người dân đăng ký một cách thông suốt và chính xác.

Trong thời gian qua, NAPAS đã phối hợp với 1 số ngân hàng thành viên, cụ thể là BIDV, VCB, Vietinbank, Nam Á cũng như VNPT để thực hiện thí điểm triển khai đăng ký tài khoản ngân hàng/tài khoản mobile money trên hệ thống VNeID và đã thực hiện thí điểm thành công.

Trong thời gian tới, sau khi C06 thực hiện cập nhật chính thức tính năng an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID để toàn bộ người dân có thể lên đó đăng ký tài khoản ngân hàng và số tài khoản mobile money thì NAPAS sẽ cùng phối hợp thực hiện triển khai chính thức, rộng rãi.

Quá trình triển khai, chúng tôi nhận được sự ủng hộ và chỉ đạo sát sao từ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an, trong xây dựng toàn bộ không chỉ hệ thống kỹ thuật mà còn là các quy trình, quy định, văn bản pháp lý và giải quyết các vấn đề bảo mật trong việc trao đổi thông tin dữ liệu của khách hàng đạt toàn bộ các tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

Kkó khăn vướng mắc chủ yếu là đây là dịch vụ chưa có tiền lệ. Việc thực hiện thanh toán chi trả giữa các ngân hàng với nhau thì NAPAS và các ngân hàng đã vận hành từ lâu, nhưng lần này là kết nối giữa hệ thống ngân hàng và cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, Bộ LĐTBXH. 

Trong quá trình làm việc chúng tôi phải họp bàn rất nhiều không chỉ giải quyết những vấn đề kỹ thuật mà còn cả quy trình nghiệp vụ, pháp lý. Nhưng do có sự phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an đến nay, NAPAS đã sẵn sàng phối hợp cùng Bộ Công an và các bộ ban ngành khác để triển khai thông suốt dịch vụ chi trả an sinh xã hội.

Qua chia sẻ của các đơn vị, có thể thấy quá trình phối hợp triển khai dịch vụ chi trả an sinh xã hội cần sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành, đơn vị. Vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, với mô hình triển khai phối hợp như hiện nay giữa Bộ Công An, NAPAS, Bộ LĐTBXH, Kho bạc Nhà nước đã mang lại tiện ích và hiệu quả như thế vào và những trọng tâm phối hợp trong thời gian tới là gì, thưa ông Lê Anh Dũng?

Ông Lê Anh Dũng: Như các vị khách mời đã trao đổi, tôi cũng thấy rất tự tin là dịch vụ này tuy mới nhưng có tiềm năng sẽ triển khai rất thành công, mang đến lợi ích thiết thực cho người dân, cho người hưởng trợ cấp an sinh xã hội. Chưa kể đã có tiền lệ là cán bộ, công chức nhận lương nhanh chóng, kịp thời, an toàn qua tài khoản ngân hàng, kênh điện tử, qua việc trao đổi thông tin giữa các đơn vị chức năng rất kịp thời nhanh chóng.

Chi trả an sinh xã hội được số hóa mang lại nhiều lợi ích. Trước tiên là sẽ an toàn hơn, nhanh chóng hơn, tránh xảy ra việc chi trả tiền trợ cấp nhầm, đảm bảo sẽ đến được tận tay người hưởng.

Thứ hai, các cơ quan chức năng có quy trình số hóa cho phép khâu kiểm tra, kiểm soát, giám sát được thực hiện thông suốt, minh bạch và an toàn.

Và các tổ chức cung cấp dịch vụ như NAPAS, ngân hàng cũng được hưởng lợi từ các lớp khách hàng được gia tăng.

Các cơ quan chức năng đương nhiên sẽ phục vụ người dân tốt hơn đặc biệt thông qua VNeID có tính năng cho phép xác thực người hưởng. Ở đây chúng ta thấy thông tin đã được làm sạch, như đại diện C06 đã khẳng định là liên tục được cập nhật, đảm bảo người hưởng là người thực tế được nhận tiền, Nhà nước không bị thất thu, tiền đến được đúng đối tượng.

Có thể thấy, với kết quả triển khai ở giai đoạn đầu như chia sẻ nói trên, các đơn vị đã có thể thực hiện chi trả an sinh xã hội cho người dân thông qua việc chuyển khoản vào số tài khoản an sinh được người dân đăng ký trên ứng dụng VNeID. Tuy vậy, để số hóa các quy trình, từ việc người dân có thể đăng ký/cập nhật thay đổi số tài khoản nhận chi trả an xinh xã hội trên ứng dụng VNeID, đến việc xử lý luồng chi trả từ cơ quan chi trả đến tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản mobile money của người dân nhanh chóng, chính xác, giảm thiểu một số công đoạn xác minh thông tin tài khoản bằng thao tác thủ công, theo ông các bộ, ngành, đơn vị cần có các giải pháp như thế nào trong thời gian tới?

Thiếu tá Đào Đình Nam: Để hoàn thiện quy trình chi trả an sinh xã hội trên ứng dụng VNeID, Bộ Công an, C06 cùng với Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐTBXH, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị, địa phương đã hoàn thiện quy trình và xin ý kiến thống nhất.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan và UBND các địa phương cùng công tác tuyên truyền để người dân nhận thức và thụ hưởng những tiện ích rất thuận tiện qua ứng dụng công nghệ chuyển đổi số.

Về góc độ pháp lý, hiện nay việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán vẫn đang thí điểm, dự kiến sau ngày 1/7/2024 sẽ hoàn thiện và chính thức triển khai.

Quá trình chi trả liên quan đến rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, tổ chức ngân hàng, do vậy, phải đảm bảo về an ninh, an toàn hệ thống cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Vai trò then chốt ở đây là Bộ LĐTBXH cùng với Bộ Công an luôn luôn phải làm sạch, cập nhật dữ liệu về an sinh xã hội, từ đó đồng bộ với tài khoản thanh toán của ngành ngân hàng và tất cả mọi dữ liệu đều được khớp. Quan trọng hơn nữa là Kho bạc Nhà nước cũng sẽ rút ngắn quy trình để kết hợp với Bộ Công an, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ LĐTBXH toàn trình trong quá trình chi trả từ Kho bạc Nhà nước đến người dân trên một hệ thống, giải quyết trong thời gian thực.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của Đề án 06 mà các bộ, ngành, địa phương phải hiệp đồng thì dịch vụ này mới thực sự đem lại tiện ích cho người dân.

Ở góc độ của đơn vị chi trả an sinh xã hội cho người dân, để triển khai số hóa luồng xử lý chi trả, Bộ LĐTBXH có gặp những khó khăn gì về cơ chế, chính sách hay không? Các giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai trong thời gian tới là gì, thưa bà Vũ Thị Thanh Hà?

Bà Vũ Thị Thanh Hà: Ngành LĐTBXH có vai trò then chốt trong công tác chi trả an sinh xã hội, đặc biệt ở giai đoạn này là không dùng tiền mặt. Để thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, ngành LĐTBXH rất quyết liệt trong việc triển khai; tích cực phối hợp với các địa phương, với lực lượng công an cấp xã để rà soát thông tin, làm sạch dữ liệu, cập nhật thông tin tài khoản, thường xuyên báo cáo và rà soát số liệu hàng ngày. Lực lượng tuyến dưới rất vất vả, chia sẻ với lực lượng công an tuyến xã cũng như cán bộ LĐTBXH cấp xã, làm hàng ngày, đợt cao điểm phải làm cả đêm, để đáp ứng dữ liệu được làm sạch, kịp thời chia sẻ với dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngành LĐTBXH và lực lượng công an gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác chi trả, do đối tượng quản lý hơi đặc biệt. Đó là người có công với cách mạng qua nhiều thời kỳ kháng chiến, người cao tuổi – khó thay đổi trong quan điểm khi nhận tiền trợ cấp. Các đối tượng nhận bảo trợ thường không có điều kiện mua điện thoại thông minh.

Để đáp ứng yêu cầu chi trả không dùng tiền mặt, ngành LĐTBXH cùng lực lượng công an đã đi vận động đến từng gia đình, tuy nhiên gặp không ít khó khăn. Chúng tôi đã nhận được nhiều đơn từ tập thể người có công, từ các nhóm đối tượng cần bảo trợ xã hội… kiến nghị được nhận tiền mặt thông qua các tổ chức dịch vụ chi trả để đến các bưu cục nhận.

Trong quá trình tuyên truyền vận động tại các địa phương, chúng tôi cũng đặt ra nhiều vấn đề, đến nay nhiều ngân hàng thương mại đã có những ưu đãi đối với các đối tượng nhận chi trả an sinh xã hội qua tài khoản thanh toán, như đã có 4 hoặc 5 ngân hàng cam kết hỗ trợ toàn bộ các chi phí tối thiểu đối với mở, duy trì tài khoản thanh toán.

Tuy nhiên, tỷ lệ đối tượng không đủ điều kiện để mở tài khoản rất nhiều, đặc biệt là những người già yếu, mất khả năng kiểm soát về tinh thần, hoặc người khuyết tật không có vân tay, người chưa được cấp căn cước công dân… Đó là những khó khăn để thực hiện tỷ lệ 100% đối tượng được chi trả qua tài khoản của ngành LĐTBXH.

Những nội dung này chúng tôi đã báo cáo với tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ họp hàng tháng. Chúng tôi vẫn tiếp tục đưa những kiến nghị này vào báo cáo. Một mặt lãnh đạo của Bộ LĐTBXH quyết liệt trong việc chỉ đạo, một mặt vẫn có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ để có những giải pháp xử lý theo từng nhóm đối tượng. Đối tượng nào đủ điều kiện mở tài khoản thì vận động ngay lập tức mở để hưởng dịch vụ chi trả qua tài khoản.

Từ phía đơn vị phối hợp thực hiện chi trả, Kho bạc Nhà nước có những vướng mắc hay khó khăn gì? Ông Nguyễn Thế Anh có đề xuất gì trong phối hợp giữa các bộ, ngành?

Ông Nguyễn Thế Anh: Hiện nay đối với việc chi trả an sinh xã hội qua Kho bạc Nhà nước, với góc độ là đơn vị phối hợp thì việc triển khai thanh toán, chi trả và hệ thống kho bạc đang được thực hiện tương đối tốt, kịp thời và đúng đối tượng. Câu chuyện chị Hà có chia sẻ, khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến đối tượng không đủ điều kiện để mở tài khoản cũng như điều kiện kinh tế không đủ điều kiện để trang bị được thiết bị thông minh để sử dụng ứng dụng VNeID.

Mặc dù, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung đã tương đối cao hơn so với mấy năm trước đây, tuy nhiên, để đẩy nhanh được công tác số hóa chi trả an sinh xã hội nói chung, cũng như thanh toán qua tài khoản đối với các đối tượng an sinh xã hội nói riêng, thì điều kiện tiên quyết là người thụ hưởng phải có tài khoản thanh toán. Tất cả các cơ quan liên quan phải có sự phối hợp chặt chẽ, làm sao thông tin tuyên truyền đến tất cả người dân nói chung cũng như đối tượng an sinh xã hội nói riêng về những lợi ích mà việc số hóa công tác chi trả an sinh xã hội mang lại.

Thứ hai, việc liên thông được dữ liệu giữa các cơ quan khác nhau đảm bảo sạch, sống, đúng đối tượng, đúng mục đích là yếu tố then chốt. Chính vì vậy, việc sớm triển khai xây dựng hệ sinh thái thanh toán qua ứng dụng VNeID là hết sức cần thiết trong tương lai.

Kho bạc Nhà nước cũng sẽ luôn luôn tìm ra giải pháp để giải quyết những bài toán nghiệp vụ, làm sao đáp ứng được tốt nhất nhiệm vụ được giao, và để việc thanh toán từ ngân sách Nhà nước đến từng người thụ hưởng một cách nhanh nhất và trực tiếp nhất. Hiện tại về cơ bản, việc thanh toán vẫn qua khâu trung gian, chưa phải trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. Trên cơ sở các chính sách, định hướng sắp tới, chúng ta có thể triển khai trực tiếp từ ngân sách Nhà nước đến người thụ hưởng. Kho bạc Nhà nước sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng quy trình, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu về nhiệm vụ đó.

Thưa ông Nguyễn Hoàng Long, NAPAS đã có sự chuẩn bị như thế nào về mặt hạ tầng để phối hợp với các bên hữu quan triển khai dịch vụ chi trả An sinh xã hội cho người dân cũng như triển khai mở rộng thêm các dịch vụ khác trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư trong tương lai? Các giải pháp để thúc đẩy hoạt động chi trả an sinh xã hội thời gian tới cần tập trung là gì?

Ông Nguyễn Hoàng Long: Cũng như các anh chị tham gia tọa đàm hôm nay đã trình bày, để chuẩn bị và triển khai phải có sự phối hợp tất cả các bên, cũng như sự chuẩn bị của từng đơn vị. 

Về phía NAPAS, chúng tôi phải đảm bảo yếu tố, phần cứng, phần mềm vận hành, duy trì hoạt động ổn định. Hệ thống hạ tầng máy chủ, mạng đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu năng, hiệu suất trong việc kết nối giữa ngân hàng sang hệ thống của C06.

Bên cạnh đó, chúng tôi phải chuẩn bị toàn bộ hệ thống quy trình, nghiệp vụ, cũng như con người để thực hiện việc vận hành, và trung tâm giám sát vận hành dịch vụ 24/7, kịp thời phát hiện lỗi, sự cố xảy ra và phối hợp cùng các bên xử lý nhanh nhất, đảm bảo mọi dịch vụ của NAPAS và hoạt động chi trả an sinh xã hội cho người dân được thực hiện thông suốt.

Dựa trên việc kết nối với hạ tầng kỹ thuật của VNeID, hiện nay NAPAS cũng phối hợp với C06 triển khai thêm một số dịch vụ khác. NAPAS cũng đã có kinh nghiệm trong việc triển khai cùng Cổng dịch vụ công Quốc gia cho việc thanh toán, chi trả phí, lệ phí của những dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Trong thời gian tới, NAPAS cũng sẽ phối hợp để triển khai các tiện ích giúp khách hàng, người dân có thể chi trả, thanh toán ngay các khoản phí, lệ phí cho các dịch vụ công và thực hiện qua phần mềm VNeID như: Xác minh hồ sơ pháp lý của người dân, việc đăng ký, làm mới, thay đổi căn cước công dân, cũng như một số dịch vụ khác... sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức đi lại của người dân, cũng như làm cho dịch vụ công được cung cấp qua nền tảng, phần mềm VNeID được thực hiện thông suốt và nhanh chóng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Anh Dũng có thể cho biết thêm các nhiệm vụ cần tập trung phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong thời gian tới liên quan đến hoạt động chi trả an sinh xã hội thời gian tới.

Ông Lê Anh Dũng: Chi trả an sinh xã hội là chủ trương lớn của Chính phủ, góp phần đem lại lợi ích cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này cũng có phần khó khăn so với các đối tượng khác, là nhóm đối tượng yếu thế hoặc có thu nhập thấp.

Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ đồng hành với các bộ, ngành liên quan đặc biệt là Bộ LĐTBXH, Bộ Công an và Kho bạc Nhà nước để triển khai chính sách số hóa chi trả an sinh xã hội một cách hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống để người dân thấy được lợi ích, lan tỏa thông tin và tăng cường sử dụng dịch vụ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại miễn, giảm phí mở tài khoản gắn với an sinh xã hội, giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn.

Trong quá trình triển khai, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh liên quan đến quy trình nghiệp vụ và hạ tầng hệ thống cũng như chất lượng dịch vụ; đồng thời quan tâm lắng nghe những phản hồi từ phía những người mở tài khoản nhận trợ cấp an sinh xã hội để có những tham mưu đề xuất, tháo gỡ khó khăn.

Đúng như phân tích qua các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Tọa đàm, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định, trong dòng chảy mẽ và mãnh liệt của thời kỳ công nghiệp 4.0 mà chúng ta đã và đang mạnh chứng kiến, thì sự phát triển của kinh tế số, xã hội số là một tất yếu khách quan và đây cũng một trong những trọng tâm đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các bộ, ngành hữu quan tập trung chỉ đạo và thực hiện.

Qua 60 phút cuộc toạ đàm, các vị đại biểu đã phân tích, luận bàn, đánh giá và hệ thống hóa các vấn đề để chúng ta có cái nhìn khái quát, toàn diện về hoạt động chi trả chính sách an sinh xã hội thông qua hoạt động số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin cả về những mặt được, cũng như những khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ… Từ đó, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất rất sâu sát, có tính thực tiễn và khả thi trong phối hợp giữa các cơ quan hữu quan thúc đẩy ứng dụng công nghệ số đối với hoạt động chi trả chính sách an sinh xã hội, qua đó đưa chủ trương của Chính phủ ngày càng được triển khai sâu rộng và hiệu quả trong thực tiễn đợi sống, mang lại các lợi ích thiết thực cho xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ đời sống dân sinh trong xã hội số.

Một lần nữa, xin được trân trọng cám ơn các vị khách mời!

https://molisa.gov.vn/

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
33 người đang online