Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và sự phối hợp, hướng dẫn của Sở Tư pháp, hoạt động pháp chế của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của cán bộ, công chức về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, góp phần đưa công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các văn bản của cấp trên, phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh. Các văn bản quy phạm pháp luật do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính. Công tác đánh giá, rà soát thủ tục hành chính cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với mục tiêu quản lý hành chính nhà nước, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các tổ chức, cá nhân và các cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành

Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, bộ máy của tổ chức pháp chế có hiệu lực từ ngày 25/8/2011, hàng năm, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Sở Tư pháp và các văn bản chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện công tác pháp chế nhằm đảm bảo thực hiện các quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; đồng thời, tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác pháp chế tại cơ quan Sở.

Trong thời gian qua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Sở, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng và ban hành các kế hoạch thực hiện công tác pháp chế tại Sở như kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật; kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; tham mưu Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Sở theo đúng quy định, đảm bảo nội dung, thể thức, quy trình ban hành văn bản; đồng thời tham gia đóng góp ý kiến đối với các văn bản của Trung ương và các Sở, ngành trong tỉnh.

2. Về tổ chức và đội ngũ người làm công tác pháp chế

Căn cứ Quyết định số 10/2020/QĐ-UBND ngày 26/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên về việc tổ chức lại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Văn phòng Sở được giao thực hiện công tác pháp chế trong phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Sở.

Văn phòng Sở đã bố trí 01 công chức kiêm nhiệm công tác pháp chế có trình độ đại học. Tuy nhiên cán bộ này chưa có bằng cử nhân Luật theo quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP.

3. Về hoạt động pháp chế

a. Công tác xây dựng pháp luật

Cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính. Vì vậy, trong những năm qua, Lãnh đạo Sở luôn quan tâm, chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của địa phương, tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực  lao động, người có công và xã hội đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật, từ đó, đảm bảo chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành khi tổ chức triển khai thực hiện.

Kết quả, từ năm 2011 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã 04 Quyết định, 03 Nghị quyết. Đồng thời, tham gia đóng góp ý kiến dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, các sở, ngành trong tỉnh tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

b. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật

Bên cạnh việc tham mưu ban hành, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cũng được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm triển khai thực hiện. Hàng năm, Sở ban hành kế hoạch thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với văn bản quy phạm pháp luật của trung ương. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các phòng chuyên môn trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 20 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi, chức năng, quản lý nhà nước của Sở do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

c. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp cán bộ, công chức và nhân dân kịp thời nắm bắt được các chủ trương, chính sách mới có liên quan đến quyền và lợi ích của các tổ chức và cá nhân.

Hàng năm, căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Sở. Việc phổ biến, giáo dục pháp luật luôn gắn liền với công tác chuyên môn thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; lồng ghép thông qua các cuộc họp, các buổi sinh hoạt chuyên môn, các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật thuộc các lĩnh vực của ngành; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở... Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội như: Pháp lệnh Ưu đãi người có công, Luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Việc làm, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Công ước về quyền trẻ em, Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Cán bộ, công chức, Luật viên chức và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ, ngành, các Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân về công tác lao động, người có công và xã hội.

Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các cán bộ, công chức, người lao động, các tổ chức, cá nhân đã nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hệ thống văn bản, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, từng bước phát huy tinh thần tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân để vận dụng vào công tác, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

d. Công tác theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật và xử lý vi phạm hành chính

Hàng năm, căn cứ Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng và ban hành kế hoạch của Sở, giao nhiệm vụ đến từng phòng chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao trách nhiệm của các phòng chuyên môn trong việc theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực của Sở. Đồng thời, định kỳ (06 tháng, 1 năm) tổng hợp, báo cáo kết quả theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật và xử lý vi phạm hành chính gửi Sở Tư pháp theo quy định.

Từ năm 2011 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xử lý vi phạm hành chính đối với 38 doanh nghiệp với tổng số tiền là 1.135.400.000 đồng.

Qua theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhận thấy, các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức về pháp luật. Ý thức tự giác chấp hành pháp luật được nâng cao. Việc kiểm tra giúp cho công tác theo dõi thi hành pháp luật từng bước đi vào nề nếp và mang lại hiệu quả tích cực nhằm chấn chỉnh những sai xót, tồn tại, hạn chế trong công tác theo dõi thi hành pháp luật.

e. Công tác bồi thường nhà nước

Nghiêm túc thực hiện công tác bồi thường nhà nước được quy định tại các văn bản: Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước; Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; Thông tư liên tịch số 15/2018/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 27/11/2018 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.

Lãnh đạo Sở đã giao Thanh tra Sở phối hợp với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện, tuyên truyền, phổ biến các quy định về công tác Bồi thường nhà nước nhằm nâng cao nhận thức cho các cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, vai trò của công tác bồi thường nhà nước cũng như trách nhiệm giải quyết bồi thường khi phát sinh yêu cầu bồi thường nhà nước. Đồng thời, yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, không để xảy ra lỗi, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Từ năm 2011 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không nhận được đơn thư của các tổ chức, cá nhân về việc yêu cầu bồi thường liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của Sở.

g. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Lãnh đạo Sở yêu cầu các phòng, đơn vị, đặc biệt là phòng Lao động - Việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo đúng chức năng, nhiệm vụ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sớm tiếp cận các chế độ, chính sách về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, xuất khẩu lao động, quản lý và sử dụng lao động nước ngoài, thực hiện kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp qua sàn giao dịch việc làm.

Đặc biệt, trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Tiếp nhận 34 hồ sơ của doanh nghiệp, đơn vị đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó đã ban hành văn bản gửi BHXH để giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 13 doanh nghiệp với số lao động là 628 người; giải quyết cho 02 doanh nghiệp, đơn vị đề nghị rút hồ sơ không thực hiện việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; có văn bản trả lời 19 doanh nghiệp không đủ điều kiện do không đảm bảo số lao động nghỉ việc theo quy định hoặc doanh nghiệp chỉ cắt giảm giờ làm việc của người lao động.

Việc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

i. Công tác đánh giá tác động của thủ tục hành chính

Thực hiện Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, Lãnh đạo Sở đã chỉ đạo Văn phòng Sở thường xuyên phối hợp với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện rà soát, đánh giá và thực hiện các quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Sở.

Từ năm 2014 đến nay, lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội không phát sinh văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở. Tuy nhiên, Sở đã thực hiện rà soát, đánh giá 09 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Bảo trợ xã hội, Giáo dục nghề nghiệp, Việc làm - An toàn lao động.  Sau khi rà soát, Sở có Công văn báo cáo kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính gửi Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp.

Việc rà soát, đánh giá, các thủ tục hành chính đã mang lại hiệu quả cho công tác giải quyết hồ sơ. Đặc biệt, có 5 thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ từ 02-05 ngày so với quy định.

Ban biên tập CTTĐT

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
28 người đang online