Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico: Việt Nam là quốc gia có tương lai tươi sáng

(17/06/2011) Nhân chuyến thăm Việt Nam, sáng ngày 16/6, tại Hà Nội, Thượng nghị sĩ Alberto Anaya Gutierrez, Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh những vấn đề hai Đảng cùng quan tâm.

 

Thượng nghị sĩ Alberto Anaya Gutierrez: "Tôi chúc Đảng Cộng sản Việt Nam và
đất nước Việt Nam thành công trên con đường đúng đắn mà các bạn đã chọn!"
(Ảnh: HH)


Phóng viên:
Thưa Ngài Thượng nghị sĩ Alberto Anaya Gutierrez - Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico, Ngài có thể đánh giá khái quát về mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Lao động Mexico? Theo Ngài, chúng ta cần làm gì để thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai Đảng và hai Nhà nước, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam lần này của Ngài?

Ngài Alberto Anaya Gutierrez: Như các bạn đã biết, Đảng Lao động Mexico và Đảng Cộng sản Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị từ năm 1996, khi tôi thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam. Trong vòng 15 năm vừa qua, Đảng Lao động Mexico đã thực hiện 8 chuyến thăm và làm việc với Việt Nam. Hai Đảng và hai Nhà nước đã xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác chặt chẽ tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, trong đó có một số hoạt động quan trọng mấu chốt. Đảng Lao động Mexico đã là cầu nối để Việt Nam giúp Mexico triển khai chương trình trồng lúa, trồng cây cao su; mở một số trung tâm châm cứu và đào tạo các thạc sĩ về châm cứu tại Mexico. Thêm vào đó, Mexico cũng giúp Việt Nam thử nghiệm việc trồng cây nôpan có giá trị dinh dưỡng, phòng bệnh và chế biến sinh phẩm cao; triển khai công tác đào tạo mầm non theo mô hình các Trung tâm giáo dục mầm non (CENDI) do Đảng Lao động Mexico sáng lập, hiện là hình mẫu về giáo dục mầm non của Mỹ Latinh…

Để thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai Đảng và hai Nhà nước, Đảng Lao động Mexico đã đưa ra rất nhiều đề xuất, trong đó tập trung vào một số đề xuất như: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thủy hải sản, trồng lúa nước, cây cao su, trồng cây nôpan trên các vùng đất khô cằn của Việt Nam; phát triển các cơ sở châm cứu của Việt Nam tại Mexico …

Đảng Lao động Mexico đã làm hết sức mình để củng cố và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai Đảng và hai Nhà nước. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức nhiều chuyến thăm cho các đoàn doanh nghiệp Mexico tới Việt Nam và đoàn doanh nghiệp Việt Nam tới Mexico để tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Việt Nam là một quốc gia có tương lai tươi sáng và Mexico cần nắm bắt cơ hội để tăng cường hợp tác hơn nữa với đất nước các bạn. Tăng cường phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mexico góp phần đem lại lợi ích cho nhân dân Mexico cũng như cho nhân dân Việt Nam.

Phóng viên: Ngài đánh giá như thế nào về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện nay?

Ngài Alberto Anaya Gutierrez: Hiện nay, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có nhiều bước phát triển.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới như: châu Âu, Nhật Bản, Mỹ,… phong trào công nhân đã bước đầu vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Trước đó, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động không nhỏ tới giai cấp công nhân thông qua việc ngân sách dành cho các chính sách xã hội bị giảm, lương giảm và trợ cấp xã hội cũng giảm…

Tuy nhiên, một số quốc gia như: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Các quốc gia này vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế dương trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị suy thoái nghiêm trọng.

Kể từ khi ông Hugo Chavez giành chiến thắng trở thành Tổng thống Venezuela, phong trào cánh tả tại Mỹ Latinh đã có những bước đột phá lớn. Rất nhiều các quốc gia ở khu vực này đã thực hiện tiến trình cải cách, thực thi những chính sách xã hội có lợi cho quần chúng lao động; chú trọng mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Với chiến thắng của một loạt chính phủ cánh tả ở khu vực Mỹ Latinh vừa qua như: Ecuador, Nicaragua, Enxanvado, Venezuela... và với chiến thắng ngay đầu năm nay của Đảng Lao động Brazil, có thể thấy, phong trào cánh tả trong cả khu vực Mỹ Latinh và Caribe đang phát triển mạnh và trở thành cao trào.

Phóng viên: Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung có vai trò như thế nào đối với đường lối, chính sách đối ngoại của Mexico?

Ngài Alberto Anaya Gutierrez: Hiện nay, Đảng Lao động Mexico đang thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thuộc ASEAN, APEC…, đặc biệt là mong mỏi tăng cường hợp tác với Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất nhiên, chúng tôi cũng có quan hệ tốt đẹp với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chúng tôi xác định khu vực châu Á giữ vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Đây là một khu vực năng động. Tương lai của thế giới không phải là ở Mỹ hay châu Âu mà chính là ở châu Á.

Châu Á đã cho thế giới thấy các mô hình sản xuất mà các quốc gia tại châu Á đang áp dụng mới là những mô hình cần thiết để tiến lên, đạt được những tiến bộ hơn nữa trong xã hội, cũng như phục vụ lợi ích của nhân dân. Về khoa học kỹ thuật, châu Á cũng đạt được nhiều bước tiến độc đáo và còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.

Trong thập kỷ tới, chúng ta thấy rằng trung tâm của thế giới sẽ là ở châu Á.

Phóng viên: Ngài đánh giá như thế nào về tình hình châu Á hiện nay?

Ngài Alberto Anaya Gutierrez: Sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, trật tự thế giới đã được tái cơ cấu. Một thế giới đơn cực đã được thay thế và một số quốc gia lớn của châu Á đã trở thành một số cực mới của thế giới. Tất nhiên, Mỹ vẫn giữ một cực của thế giới nhưng đó không phải là cực duy nhất. Các cực mới sẽ dành cho châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Điều quan trọng nhất là nếu như trước khủng hoảng,  là thế giới đơn cực thì sau khủng hoảng, thế giới đã trở thành đa cực.

Chúng tôi nhận định rằng, quá trình tái cơ cấu diễn ra trên thế giới trong thập kỷ tới, song chúng tôi hy vọng rằng, không có những sự kiện xảy ra như cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan hay Libya.

Có một vấn đề đặt ra là một số quốc gia lớn mạnh hiện đang tìm kiếm sử dụng nguồn tài nguyên như: dầu mỏ, khí đốt, nhiên liệu… Thế giới sẽ vận động, phát triển theo hướng phát triển nguồn năng lượng xanh. Tuy nhiên, những nguồn năng lượng truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng. Nếu không cẩn thận thì các quốc gia hiện đang sở hữu nguồn năng lượng như: dầu mỏ, khí đốt rất có thể sẽ trở thành mục tiêu xâm lược của các nước lớn không có tài nguyên hoặc có nhưng không đủ để sử dụng. Tôi cho rằng, đây chính là nguyên nhân chính lý giải tại sao lại xảy ra các cuộc chiến tranh trên thế giới vừa qua như: tại Iraq, Afghanistan, Libya.

Trong bối cảnh thế giới như vậy, tôi rất lo ngại trước những vấn đề bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên thềm lục địa của Việt Nam. Chúng ta biết rằng, thềm lục địa của Việt Nam có trữ lượng dầu mỏ lớn, trữ lượng tài nguyên biển lớn. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước anh em, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng anh em cần phải giải quyết vấn đề này thông qua cơ chế đối thoại, thông qua các biện pháp chính trị, thông qua con đường đối thoại giữa ASEAN – Trung Quốc hay thông qua Tòa án quốc tế trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng lịch sử và tôn trọng lẽ phải. Chúng tôi đánh giá rằng, Việt Nam hoàn toàn có lẽ phải, có lịch sử và hoàn toàn đúng đắn trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Chúng tôi mong muốn rằng, vấn đề Việt Nam và Trung Quốc sẽ được sớm giải quyết thông qua con đường đối thoại chính trị. Chúng tôi ủng hộ giải pháp đối thoại chính trị hòa bình.

Phóng viên: Là một người bạn quốc tế đã nhiều lần đến thăm Việt Nam, xin Ngài cho biết cảm xúc về đất nước và con người nơi đây?

Ngài Alberto Anaya Gutierrez: Tôi đã có dịp được tới Việt Nam nhiều lần và mỗi lần đặt chân tới đất nước các bạn, tôi lại thấy Việt Nam đổi mới và khác trước rất nhiều. Việt Nam hiện duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Kể từ khi Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước đến nay, tôi thấy Việt Nam đã ghi nhận nhiều thay đổi tích cực. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa rồi lại một lần nữa khẳng định quyết tâm tiến hành đổi mới để biến Việt Nam thành một quốc gia mạnh trên trường quốc tế.

Tôi tin tưởng rằng trong tương lai, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đặt ra phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Tôi tin tưởng và mong muốn Việt Nam sẽ trở thành một "con hổ" của châu Á.

Đặc biệt, tôi nhận thấy rằng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu và được thực hiện thông qua các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, thông qua các văn kiện, nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt thể hiện rất rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI vừa qua. Đây là một đường lối đúng đắn, đã, đang và sẽ giúp Việt Nam hoàn thành được mục tiêu đặt ra. Tôi chúc Đảng Cộng sản Việt Nam và đất nước Việt Nam thành công con đường đúng đắn mà các bạn đã lựa chọn!

Phóng viên: Xin cảm ơn Ngài!


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
26 người đang online